Giải pháp tạo việc làm cho người lao động tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc

29/06/2022, 16:44

TCDN - Tam Dương là huyện trung du của tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích đất tự nhiên trên 10 nghìn ha, dân số trên 117 nghìn người. Năm 2022, trên địa bàn huyện Tam Dương có khoảng 94 công trình, dự án cần triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

3-1

Tóm tắt

Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, cách Thủ đô Hà Nội hơn 50 km có các điều kiện tự nhiên cũng như vị trí địa lý vô cùng thuận lợi. Trong hơn 10 năm kể từ sau khi tái lập Vĩnh Phúc đã trở thành một tỉnh có tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đứng đầu cả nước, hàng năm cho phép chuyển hàng 100 ha đất nông nghiệp sang các mục đích khác thì sau giai đoạn mở rộng thu hút đầu tư ban đầu vấn đề tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp đang được các cấp chính quyền của tỉnh hết sức quan tâm. Chính vì vậy, tạo việc làm cho người lao động, nhất là người dân bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp trở thành chủ trương lớn của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và là một vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, nhằm đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hoá của đất nước mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp cần được nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thoả đáng. Bài viết cập nhật thực trạng việc làm của người dân tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, qua đó đưa ra một số giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương này.

1. Thực trạng công tác giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp

Tam Dương là huyện trung du của tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích đất tự nhiên trên 10 nghìn ha, dân số trên 117 nghìn người. Năm 2022, trên địa bàn huyện Tam Dương có khoảng 94 công trình, dự án cần triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, có 14 dự án do các đơn vị thuộc tỉnh làm chủ đầu tư; 42 dự án do huyện làm chủ đầu tư; 6 khu, cụm công nghiệp, đô thị và 32 dự án do cấp xã làm chủ đầu tư.

Để tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư các công trình, dự án, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Tam Dương tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực gặp gỡ, đối thoại, kịp thời lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án.

Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/HU, ngày 01/9/2020 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện, năm 2021 Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện (Quyết định số 389-QĐ/HU, ngày 01/6/2021) để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo kế hoạch triển khai các công trình dự án. Ngày 29/9/2021 Ban Chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tổ chức Hội nghị chuyên đề để nắm tình hình, có giải pháp tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện ủy đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng cho các Đảng bộ xã, thị trấn trong năm 2022 và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân người đứng đầu trong năm 2022. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Kết quả, đến nay toàn huyện đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên 120ha, đã kiểm đếm xong trên 100ha và đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt, một số dự án đang giải quyết vướng mắc, một số dự án đang hoàn thiện thủ tục đế triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

2. Giải quyết việc làm cho người lao động

Đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua huyện Tam Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn triển khai kịp thời và đồng bộ các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong bối cảnh dịch Covid - 19 ảnh hưởng rất lớn đến công tác lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội của huyện Tam Dương. Đáng bàn là tình trạng thiếu hụt lao động do tâm lý lo lắng của người dân; đặc biệt là việc công nhân lao động nằm trong vùng có dịch, có người mắc bệnh bị cách ly.

UBND huyện Tam Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; trong đó cung cấp kịp thời các thông tin về nhu cầu lao động tại doanh nghiệp; khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động quay trở lại đơn vị làm việc; tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện Tam Dương tập trung tuyên truyền chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt Nghị Quyết 207 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị 04 về tăng cường công tác đưa lao động Vĩnh Phúc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đồng thời, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, vận động người lao động tích cực tham gia xuất khẩu lao động; tạo điều kiện giúp người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động được tiếp cận với các công ty, doanh nghiệp cần tuyển dụng.

Song song với đó, huyện Tam Dương tổ chức các hội nghị tuyên truyền về xuất khẩu lao động, tạo cơ hội để người lao động được tiếp cận với các công ty tin cậy hoạt động xuất khẩu lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp tập trung vào phát huy giá trị cốt lõi của chính sách này là tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tránh sa thải và duy trì việc làm cho người lao động, đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh hậu Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động; Nâng cao năng lực, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình về việc làm.

Hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động thông qua đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động.

Việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp người lao động lựa chọn và quyết định tham gia thị trường lao động.

Mặt khác, huyện Tam Dương không ngừng nâng cao giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; phối hợp hoạt động của trung tâm đào tạo hướng nghiệp nghề với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho thanh niên nông thôn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự…

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên thời gian qua công tác giải quyết việc làm cho người lao động huyện Tam Dương có nhiều khởi sắc.

Năm 2021, huyện Tam Dương giải quyết việc làm mới cho 3.100 lao động. Trong đó, công nghiệp - xây dựng 1.912 lao động; Nông nghiệp- nông thôn- thủy sản 475 lao động; Thương mại - dịch vụ 658 lao động và xuất khẩu lao động là 55 lao động. Trong năm 2021 số lượng người lao động đi xuất khẩu của huyện Tam Dương giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm 2021 đến nay dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là các thị trường có truyền thống tuyển lao động nhiều như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nên không tuyển được nhiều lao động đi xuất khẩu.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 huyện Tam Dương đã giải quyết việc làm mới cho 1443 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm cho lao động trong lĩnh vực Công nghiệp - xây dựng 892 lao động; Nông nghiệp - nông thôn 235 lao động; Thương mại - dịch vụ 305 lao động; xuất khẩu lao động 10 lao động.

Để đạt được mục tiêu đề ra huyện Tam Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác giải quyết việc làm, học nghề, quy định về quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động; rà soát nhu cầu lao động đi làm việc trong nước và ở nước ngoài của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, tư vấn về các đơn hàng lao động…

3. Giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

3.1. Nhóm giải pháp chung

Từ phía Ủy ban nhân dân huyện: cần quan tâm, ưu tiên đầu tư cho việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đào tạo nghề như xây dựng cơ sở vật chất, trường học, đầu tư mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập… Mặt khác, cần thực hiện dân chủ, công bằng trong tiến trình đào tạo nghề cho các đối tượng là nông dân bị thu hồi đất canh tác, đặc biệt với các đối tượng chính sách, người nghèo càng cần được hỗ trợ về tài chính trong học nghề và đào tạo nghề.

- Cần xã hội hóa đào tạo nghề, khuyến khích việc xây dựng cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập.

- Mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề công lập. Xây dựng cơ chế tự chủ tài chính để các đơn vị này phát huy được các tiềm năng về nhân lực, tài lực và vật lực, gia tăng cung cấp dịch vụ đào tạo cho xã hội, tăng thu, tiết kiệm chi phí, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

- Xác định rõ trách nhiệm và gắn kết trách nhiệm của các bên trong hỗ trợ đào tạo nghề cho người nông dân bị thu hồi đất canh tác; giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, bản thân người nông dân được đền bù có trách nhiệm tài chính với đào tạo nghề.

- Đa dạng hóa nguồn và phương thức đóng học phí đối với người học nghề. Điều này nhằm thu hút, huy động thêm nguồn vốn cho các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao trách nhiệm học tập đối với người học nghề.

Thứ nhất, không ai khác chính là những người nông dân bị thu hồi đất cần tự nhận thức được đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đặc biệt là công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Người dân cần thấy được tầm quan trọng của các chính sách Nhà nước và chính quyền địa phương trong vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.

Thứ hai, người dân cần nhận thức và ủng hộ các chủ trương thu hồi đất nông nghiệp của huyện phục vụ các mục đích xây dựng các khu, cụm, điểm công nghiệp, xây dựng đường xá, cầu cống... Tất cả những việc đó đều phục vụ cho chính lợi ích của người dân và địa phương; đồng thời cần học nghề, chuyển sang một nghề mới, một lĩnh vực sản xuất mới để có được một việc làm trong xu hướng thay đổi của xã hội, có thu nhập ổn định, giúp duy trì cuộc sống của bản thân họ, gia đình họ.

Thứ ba, người nông dân cần ý thức hơn nữa về việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích số tiền được đền bù, không sa đà vào mua sắm, xây dựng, ăn chơi.

Thứ tư, người dân cần chủ động tìm việc, những công việc phù hợp nhu cầu, sở thích, năng lực của chính mình, không chỉ ngồi trông chờ vào một công việc mà ai đó đem đến cho mình.

3.2. Nhóm giải pháp cụ thể

Để có thể tạo việc làm, giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải gắn chặt với kế hoạch đào tạo nghề và sử dụng lao động ở những vùng bị thu hồi đất. Trong đó, quy hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần được tính toán kỹ trước khi thu hồi đất và việc đào tạo nghề phải hoàn thành trước khi giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng sau khi thu hồi đất, người dân không có việc làm mới tính đến đào tạo để chuyển nghề cho người nông dân. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng người dân bị “sốc” vì không có nghề và mất việc làm.

Trong quá trình xây dựng, quy hoạch phải thực hiện dân chủ hóa, cán bộ chính quyền địa phương cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân, tránh tình trạng số đất đai còn lại bị xâm phạm, không có khả năng canh tác, gây lãng phí lớn. Mặt khác các địa phương phải có những quy định về thời gian cụ thể cho việc thu hồi đất, các dự án chậm hoặc không có khả năng triển khai, giao cho lao động mất ruộng tạm sử dụng, tránh lãng phí tài sản đất đai của nhân dân.

Hai là, có chính sách “ưu đãi” đối với các nghệ nhân, thợ giỏi, hỗ trợ công tác đào tạo, truyền nghề để những ngành nghề truyền thống không bị mai một, như: thành lập Hội nghệ nhân với các nghề truyền thống trên địa bàn huyện, hỗ trợ về vật chất, kinh tế để các nghệ nhân tích cực hơn trong việc truyền nghề, mở các hội thi giữa các làng nghề để thúc đẩy phong trào khôi phục nghề truyền thống.

Ba là, tăng cường hơn nữa công tác xuất khẩu lao động. Thông qua xuất khẩu lao động, không chỉ giảm bớt gánh nặng về việc làm trước mắt mà hàng năm số lượng ngoại tệ người lao động gửi về làm tăng thu nhập cho bản thân người lao động, gia đình và Nhà nước.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn: Việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn được coi là giải pháp trọng điểm.

4. Kết luận

Giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất đã và đang là một chủ trương lớn của tỉnh và chính quyền địa phương. Quá trình đô thị hóa nông thôn đã và đang mang lại cho người nông dân ngoại thành nhiều cơ hội phát triển, cải thiện đáng kể đời sống dân sinh. Tuy nhiên, chính tốc độ đô thị hóa quá nhanh đó đã đẩy hàng chục vạn nông dân bị mất đất rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân những vùng bị thu hồi đất như chính sách định cư tại chỗ, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nên số lượng nông dân mất việc làm, thiếu việc làm vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm chưa bao giờ mất đi tầm quan trọng của nó, đặc biệt đối với người dân bị thu hồi đất.

Tài liệu tham khảo:

1. Huyện ủy Tam Dương, Báo cáo Tổng kết năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, ngày 19/11/2021.

2. Huyện ủy Tam Dương, Báo cáo Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao năm 2021, ngày 25/11/2021.

3.http://banqlkcn.vinhphuc.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/thongtinkinhte/View_Detail.aspx?ItemID=84

4.https://tamduong.vinhphuc.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/VanHoaXaHoi/View_Detail.aspx?ItemID=602

5.https://thuonghieucongluan.com.vn/tam-duong-vinh-phuc-dong-bo-giai-phap-giai-quyet-viec-lam-giup-tang-thu-nhap-cho-nguoi-lao-dong-a116120.html

ThS. Phạm Thị Quỳnh

Trung tâm Chính trị huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp tạo việc làm cho người lao động tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan