Giới chức Trung Quốc thí điểm áp thuế bất động sản
TCDN - Mới đây Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo giới chức sẽ thí điểm áp thuế bất động sản tại một số khu vực như Chiết Giang, Quảng Đông trong 5 năm.
Ý tưởng áp thuế bất động sản đã ra đời từ năm 2003 nhưng gần đây mới thu hút sự chú ý trở lại nhờ sự ủng hộ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giới chuyên gia đánh giá động thái này là một trong những thay đổi sâu sắc nhất với chính sách bất động sản của Trung Quốc.
Trước đây ý tưởng áp thuế bất động sản đã không thành hiện thực do giới chức lo ngại nó sẽ gây thiệt hại cho nhu cầu bất động sản, giá nhà, tài sản của các hộ gia đình và các dự án bất động sản trong tương lai. Đồng thời, nó cũng vấp phải sự phản đối từ các bên liên quan gồm chính quyền địa phương – những người lo ngại chính sách thuế sẽ làm giảm giá trị bất động sản hoặc kích thích một đợt bán tháo.
Hiện tại, theo Reuters, chính sách thuế bất động sản có thể góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản vốn đã tăng hơn 2.000% kể từ khi Trung Quốc tư nhân hóa thị trường bất động sản những năm 1990 và vượt quá khả năng chi trả của người dân gần đây. Dù vậy, các cuộc thảo luận về chính sách đang diễn ra vào một giai đoạn nhạy cảm. Thị trường đang cho thấy các dấu hiệu căng thẳng và giá nhà giảm ở hàng chục thành phố.
Chính sách thuế bất động sản sẽ có hiệu lực với bất động sản nhà ở và không phải nhà ở, cũng như đất đai và chủ sở hữu của nó, theo Tân Hoa Xã. Thuế sẽ không có hiệu lực với đất nông nghiệp thuộc sở hữu hợp pháp và công trình xây dựng trên đó. Thuế bất động sản sẽ được thí điểm 5 năm sau khi Quốc vụ viện công bố các thông tin chi tiết. Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), hơn 90% hộ gia đình ở quốc gia đông dân nhất thế giới sở hữu ít nhất một bất động sản.
Trong các chương trình thí điểm mà giới chức từng triển khai vào năm 2011, các siêu đô thị như Thượng Hải và Trùng Khánh đã áp thuế với chủ nhà, dù chỉ áp dụng những người sở hữu nhà ở cao cấp và có bất động sản thứ hai, với mức từ 0,4% đến 1,2%. Song đến nay các chương trình thí điểm vẫn chưa được mở rộng đến các thành phố khác.
Giới chuyên gia dự đoán một kế hoạch thí điểm rộng hơn sẽ được áp dụng tại các khu vực giàu có và kinh tế đa dạng ở miền đông và miền nam Trung Quốc như các tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông.
"Chiết Giang, đặc biệt là thành phố Hàng Châu, sẽ là những địa phương thực hiện thí điểm", Yan Yuejin, Giám đốc viện nghiên cứu và phát triển E-house Trung Quốc, phát biểu. Đây là thành phố giàu thứ tám ở Trung Quốc và cũng là nơi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đặt trụ sở.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899