Gỡ vướng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

22/12/2020, 10:18

TCDN - Hiện nay, trên cả nước có 26 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Qua tìm hiểu, một số Quỹ ở các tỉnh, thành phố đang làm thủ tục để trình UBND tỉnh giải thể.

Tóm tắt

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 62.049 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; có 25.157 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; có 56.227 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số doanh nghiệp hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97%. Hiện khu vực DNNVV đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Trong những năm gần đây, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện, Khung chính sách hỗ trợ DNNVV đã được ban hành nhưng khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực DNNVV, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những rào cản lớn nhất với doanh nghiệp là khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức. Các doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất cao. Ngoài chi trả lãi vay cao, để tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng các doanh nghiệp phải bỏ thêm các chi phí lót tay và quà tặng Trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng, vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các DNNVV với các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.

4-1

Khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV

Kết quả cấp tín dụng đối với DNNVV cho thấy, tính đến ngày 31/12/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.601.964 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cuối năm 2018, chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Đến 30/8/2020, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt khoảng 1.673.935 tỷ đồng, tăng 4,49% so với cuối năm 2019, chiếm 19,3% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Mặc dù tín dụng đối với DNNVV thời gian qua đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho vay DNNVV vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Những nguyên nhân và khó khăn chủ yếu dẫn đến hạn chế trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV như:

Một là, thủ tục vay vốn và thiếu tài sản đảm bảo là rào cản cơ bản khiến cho các DNNVV không vay được vốn.

Hai là, xuất phát từ những khó khăn chung của thị trường, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các DNNVV, làm giảm hiệu quả cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Ba là, hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV, như: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản bảo đảm; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với NH khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ.

Bốn là, việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực cho hệ thống TCTD, trong khi TCTD không có đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV.

Năm là, các doanh nghiệp tư nhân có ít ưu thế hơn so với các doanh nghiệp nhà nước, và các doanh nghiệp nhỏ có ít ưu thế hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Sáu là, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.

Các chính sách hỗ trợ DNNVV

1. Quỹ phát triển DNNVV 

Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 2.000 tỷ đồng, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, thực hiện các chức năng: Cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (theo phương thức trực tiếp và gián tiếp); tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV. 

Tuy nhiên, trong thực tế: (i) Theo quy định về cho vay gián tiếp của Quỹ, DNNVV vẫn phải tiếp cận vốn theo cơ chế cho vay thương mại thông thường theo quy định nội bộ của TCTD, thủ tục phức tạp hơn và thời gian xem xét quyết định cho vay lâu hơn so với việc DNNVV vay vốn trực tiếp từ TCTD; Quỹ chưa thể hiện được vai trò quyết định trong việc hỗ trợ DNNVV. Theo đó, dư nợ ủy thác cho vay DNNVV qua TCTD đến hết tháng 4/2020 chỉ đạt 47,2 tỷ đồng; (ii) Đối với việc triển khai cho vay trực tiếp DNNVV, Bản thân Quỹ chưa muốn triển khai vì rủi ro trong hoạt động cho vay, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Do đó, đến nay Quỹ chưa triển khai hoạt động cho vay trực tiếp.

2. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV

Hiện nay, trên cả nước có 26 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Qua tìm hiểu, một số Quỹ ở các tỉnh, thành phố đang làm thủ tục để trình UBND tỉnh giải thể. Theo số liệu báo cáo của TCTD, tổng dư nợ cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương đến cuối tháng 6/2020 đạt 280 tỷ đồng.

Khó khăn, vướng mắc triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV: Từ đầu năm 2019 đến nay, các Quỹ bảo lãnh tín dụng tạm dừng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho DNNVV để kiện toàn bộ máy hoạt động theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP. Các Quỹ đang dự thảo phương án hoạt động để trình UBND tỉnh quyết định. Trong đó, khó khăn vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn bổ sung để tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng theo quy định (quy định trước đây là 30 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng là bảo lãnh có điều kiện, Quỹ bảo lãnh tín dụng được quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh nên thời gian qua có nhiều trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và xảy ra tranh chấp với các TCTD cho vay.

3. Chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng

Hiện nay, DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong việc cấp tín dụng, NHNN đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019. Tuy ngành ngân hàng đã vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực sử dụng tối đa các nguồn nội lực (thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức…) để khẩn trương và quyết liệt tổ chức triển khai các giải pháp theo Thông tư 01 mà không sử dụng bất kỳ nguồn lực nào từ ngân sách nhà nước. Do thiếu nguồn lực tài khóa hỗ trợ, việc hạ lãi suất cho vay của TCTD đòi hỏi phải giảm được chi phí đầu vào, đặc biệt là lãi suất huy động. Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian nhằm tránh tạo tâm lý tiêu cực của người gửi tiền, gây ra xu hướng rút tiền để chuyển dịch sang các tài sản khác, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng tài sản và lạm phát.

Ngân hàng có vai trò dẫn vốn cho nền kinh tế nên đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng là yêu cầu đặc biệt quan trọng để kinh tế phát triển bền vững, hài hòa lợi ích từ 2 phía “khách hàng vay” và “người gửi tiền”. Do đó, không thể hạ thấp tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo tín dụng ngân hàng thực chất và hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 làm giảm năng lực tài chính của doanh nghiệp vay vốn, cần thiết phải có cơ chế bảo lãnh từ Chính phủ cho doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt nhằm duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các quy định về bảo lãnh Chính phủ

Nhìn lại các quy định của pháp luật về bảo lãnh của Chính phủ được đề cập dưới đây, với năng lực của các DNNVV, các DNNVV vay vốn TCTD để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án nhỏ sẽ không thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh. Cụ thể như sau:

1. Tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công quy định đối tượng được bảo lãnh Chính phủ: Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

2. Tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021):

2.1. Điều 30 quy định Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

- Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: a) Nhà máy điện hạt nhân; b) Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

- Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

- Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2.2. Điều 31 quy định trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

- Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác. b) Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên. c) Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. d) Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I. đ) Dự án đầu tư chế biến dầu khí. e) Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. h) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất...

3. Tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (có hiệu lực đến hết năm 2020)

3.1. Điều 30 quy định trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo pháp luật về đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: a) Nhà máy điện hạt nhân. b) Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên.

3.2. Điều 31 quy định trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo pháp luật về đầu tư công và các dự án quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:

Dự án không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau: a) Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác. b) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không. c) Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia. d) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí. đ) Hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino. e) Sản xuất thuốc lá điếu. g) Phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế. h) Xây dựng và kinh doanh sân gôn.

4. Tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019

Khoản 4 Điều 17 quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Dự án quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này; dự án nhóm A khác sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý;

b) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

c) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình, dự án khu vực;

d) Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.

Hướng tháo gỡ

Như vậy, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của DNNVV chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thời gian qua DNNVV gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng. Mặc dù NHNN và các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV, nhưng quyền quyết định cho vay thuộc TCTD và TCTD xem xét cho vay DNNVV theo khẩu vị rủi ro của TCTD, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Do đó, cần có chính sách thiết thực hỗ trợ DNNVV vay vốn tín dụng ngân hàng.

Với các cơ chế hiện hành, phần lớn DNNVV không thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các qui định pháp luật có liên quan, nên để có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ tương tự như các nước đã triển khai (Bảng chính sách của một số quốc gia về bảo lãnh Chính phủ đối với SME ), chúng ta cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể tại Luật Quản lý nợ công và các qui định pháp luật có liên quan để bổ sung DNNVV thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ.

ThS. Ngô Trí Trung

Đại học Quốc gia Hà nội 

Bạn đang đọc bài viết Gỡ vướng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hoàn thiện công tác tài chính công đoàn
Để công tác tài chính công đoàn công khai, minh bạch và ngày càng hiệu quả, bài viết cập nhật thực trạng tài chính công đoàn, một số nội dung của dự thảo Luật Công đoàn năm 2012, qua đó đề xuất giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cơ sở phát triển của tín dụng phi chính thức
Đây là nguồn thu quan trọng nhất của hoạt động tội phạm có tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ đánh bạc. Các khoản thanh toán phải được trả vào ngày giờ xác định, sự chậm trễ trong việc trả nợ có thể sẽ dẫn đến một mức lãi suất cao hơn thậm chí là sự truy đòi gắt gao.