Chứng khoán hóa và những bài học kinh nghiệm: Từ khủng hoảng thị trường bất động sản Mỹ

01/09/2020, 15:12

TCDN - Công cụ chứng khoán hoá - như là động lực thúc đẩy thị trường tài chính Mỹ và các các nước phát triển khác trên thế giới phát triển nhanh và hiệu quả trong suốt các thập kỷ qua

Tóm tắt

Khủng hoảng thị trường bất động sản tại Mỹ đã tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Trong đó thị trường tài chính và hoạt động của các NHTM nước này chịu tác động ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp. Hậu quả là nhiều ngân hàng mất khả năng thanh khoản phải sáp nhập, hợp nhất hoặc đóng cửa; hoặc được Chính phủ mua lại. Thực tế này là bài học kinh nghiệm lớn đối với mọi nền kinh tế nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Trong đó thị trường tài chính nước ta, cần có những nhìn nhận đầy đủ hơn về quá trình phát triển và các biện pháp tăng trưởng đảm bảo sự phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.

10-1

Đặt vấn đề

Sự phát triển của thị trường tài chính gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế - đây là bước phát triển mang tính khách quan. Tuy nhiên, đi kèm đó là quá trình phát triển các công cụ của thị trường, các sản phẩm của thị trường - điều này phản ánh trình độ phát triển của thị trường tài chính mỗi quốc gia. Trong đó công cụ chứng khoán hoá - như là động lực thúc đẩy thị trường tài chính Mỹ và các các nước phát triển khác trên thế giới phát triển nhanh và hiệu quả trong suốt các thập kỷ qua. Song bên cạnh đó công cụ này cũng đã và đang phát sinh những tồn tại hạn chế nhất định, mà thực tiễn cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản đã và đang minh chứng cho những tồn tại hạn chế của công cụ chứng khoán hoá và đó cũng chính là bài học kinh nghiệm rất lớn, quý báu đối với quá trình phát triển và ứng dụng công cụ này đối với thị trường tài chính nước ta. Với ý nghĩa đó bài viết đặt vấn đề phân tích và đưa ra những bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng thị trường bất động sản Mỹ đối với việc ứng dụng và phát triển kỹ thuật chứng khoán hoá tại Việt Nam.

I. Kỹ thuật chứng khoán hóa

Ứng dụng và Phát triển kỹ thuật chứng khoán hoá là cần thiết. Sự cần thiết này xuất phát từ chính đòi hỏi phát triển của thị trường tài chính, của nền kinh tế và gắn liền với các lợi ích cơ bản mà kỹ thuật chứng khoán hoá mang lại. Điều này thể hiện trên 04 phương diện sau:

1. Thực hiện chứng khoán hoá, cho phép khắc phục được những tồn tại hạn chế về nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các Ngân hàng thương mại. Đồng thời đảm bảo cho các NHTM hoạt động hiệu quả, đúng bản chất - hoạt động trên thị trường tiền tệ nhằm đáp ứng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn lưu động của doanh nghiệp. Hiện nay các Ngân hàng thương mại được sử dụng nguồn vốn cho vay trung dài hạn bao gồm: nguồn vốn huy động trung dài hạn; tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn và vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các Ngân hàng hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 50% - 60% nhu cầu vay vốn trung dài hạn. Bộ phận vốn còn lại sử dụng nguồn ngắn hạn. Thực tế này tạo áp lực rất lớn về nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các Ngân hàng thương mại nói chung và cho vay bất động sản nói riêng, tạo ra khó khăn thực sự về nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng bất động sản. Do vậy việc áp dụng, thực hiện các giải pháp huy động về vốn có tính chiến lược và ý nghĩa căn bản, với việc áp dụng kỹ thuật chứng khoán hoá các tài sản tài chính nói chung và các khoản tín dụng bất động sản nói riêng của các Ngân hàng thương mại trong điều kiện hiện nay là cần thiết và có ý nghĩa thực hiện, thực thi cao.

2. Thúc đẩy thị trường tài chính phát triển: Thực tế hiện nay, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán nước ta chỉ phát triển ở mức độ thấp, mặc dù đạt được những kết quả nhất định về tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những năm qua(về số lượng nhà đầu tư; về giá; về các công ty chứng khoán) tuy nhiên đánh giá chung, trình độ phát triển của thị trường vẫn chưa cao và chưa đầy đủ. Sự phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán nước ta ở trình độ thấp và giai đoạn đầu phát triển. Một trong nguyên nhân cơ bản đó là lượng hàng hoá (các loại chứng khoán: cổ phiếu; trái phiếu; giấy tờ có giá) còn ít và chưa đa dạng. Chính vì lẽ đó việc thực hiện chứng khoán hoá các khoản tín dụng bất động sản sẽ là nguồn cung cấp hàng hoá cho thị trường, góp phần kích thích thị trường phát triển. Đồng thời đa dạng hoá danh mục hàng hoá, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư.

3. Chứng khoán hoá tạo điều kiện phát triển hoàn thiện các loại thị trường có liên quan: tín dụng; chứng khoán và thị trường bất động sản. Việc chứng khoán hoá các khoản tín dụng bất động sản sẽ cho phép đáp ứng tốt nhất nhu cầu về các sản phẩm bất động sản của người dân, của nền kinh tế. Trên cơ sở tạo ra nguồn vốn lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển bất động sản; phát triển nhà ở cũng như tạo ra nguồn vốn cho các Ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay mở rộng và tăng trưởng tín dụng bất động sản.

4. Tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế - xã hội: Chứng khoán hoá các khoản tín dụng bất động sản của các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội, trong nền kinh tế. Theo đó các khoản vốn nhàn rỗi trong dân cư được thu hút thông qua việc người dân đầu tư , mua các chứng khoán hoá dựa trên các khoản cho vay bất động sản. Trên cơ sở đó cùng với các hình thức đầu tư khác như gửi tiền ngân hàng; mua vàng tích luỹ; kinh doanh. người dân có thêm sự lựa chọn các chứng khoán hoá từ các khoản cho vay bất động sản để đầu tư. Dưới góc độ vĩ mô, việc ra đời của loại chứng khoán mới (chứng khoán hoá trên cơ sở các khoản tín dụng bất động sản) sẽ thu hút, khai thác mọi nguồn vốn nhỏ lẽ, nhàn rỗi trong nền kinh tế để sử dụng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo khả năng sinh lợi cao, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển.

Tuy nhiên để phát triển và ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá tại Việt Nam, không chỉ cần một quá trình (về chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật: luật pháp; các tổ chức tài chính liên quan; cơ chế chính sách) mà cần có đánh giá nhìn nhận đầy đủ hơn về lợi ích cũng như những tác động không tích cực của công cụ này trong tương lai mà hậu quả của cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng bất động sản đã và đang diễn ra tại Mỹ như là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu đối với qúa trình ứng dụng và phát triển kỹ thuật này tại Việt Nam.

II. Chứng khoán hoá tại Mỹ và những bài học kinh nghiệm

Như chúng ta đều biết chứng khoán hoá là công cụ tài chính hiện đại, được phát triển từ năm 1977 tại Mỹ và phát triển mạnh vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tiếp cận theo hướng đơn giản và dễ hiểu nhất, chứng khoán hoá là một quá trình huy động vốn bằng cách sử dụng các tài sản có trên bảng cân đối kế toán (như: các khoản cho vay bất động sản; các khoản cho vay tiêu dùng; cho vay thẻ tín dụng; cho vay thương mại...) làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành các loại chứng khoán nợ. Nói cách khác đây là quá trình phát hành chứng khoán nợ trên cơ sở đảm bảo bởi dòng tiền mặt tương lai sẽ thu hồi được từ một nhóm tài sản tài chính sẵn có. Trong đó các nhà đầu tư mua chứng khoán này chấp nhận rủi ro liên quan tới danh mục tài sản đảm bảo được đem ra chứng khoán hoá.

- Tại Mỹ 2 tổ chức là Fannie Mae và Freddie Mac, là hai tổ chức tài chính lớn nhất thực hiện vai trò là tổ chức trung gian chuyên trách (SPV) thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hoá. Theo đó 2 định chế tài chính trung gian này mua các khoản nợ cho vay thế chấp nhà ở; bất động sản của các NHTM, và thực hiện chứng khoán hoá các khoản nợ này thành các chứng khoán nợ (phát hành chứng khoán trên cơ sở các khoản tín dụng thế chấp, có bảo đảm bằng nhà ở; bất động sản) và bán cho nhà đầu tư (thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán). Qúa trình này không chỉ đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn cho các ngân hàng thương mại và cho thị trường tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên khi thị trường bất động sản biến động và khủng hoảng từ thị trường này xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Fannie Mae và Freddie Mac và các NHTM có liên quan cũng như toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ và nền kinh tế Mỹ, với 02 rủi ro cơ bản sau:

Thứ nhất: Rủi ro thanh khoản. Khi khủng hoảng xảy ra, các khoản đầu tư bất động sản (nhà cửa, đất đai...) không có khả năng thu hồi xuất hiện với mức độ cao, cường độ mạnh, nhiều khoản nợ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng trực tiếp và trước tiên đến tổ chức chuyên trách, các công ty chứng khoán hoá (các khoản nợ vay mua nhà; vay thế chấp bất động sản; vay đầu tư kinh doanh bất động sản...đều quá hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức này thua lỗ xuất hiện và thậm chí trên bờ vực của phá sản).

Thứ hai: Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn. Trong đó giá các loại cổ phiếu của các định chế tài chính trung gian giảm mạnh, tạo yếu tố tâm lý bất an từ nhà đầu tư và gây nên hiệu ứng bất lợi đối với toàn bộ nền kinh tế. Mức độ tiềm ẩn khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nền kinh tế là rất lớn.

Hai nguyên nhân bản chất:

+ Nợ dưới chuẩn cao: Tăng trưởng tín dụng quá mức của các định chế tài chính vào lĩnh vực bất động sản, nhà đất bằng việc mở rộng tín dụng đối với các đối tượng có mức tín nhiệm thấp, không cần bảo chứng đủ tin cậy nhằm thu lợi nhuận nhanh (lãi suất cho vay cao. Trong khi đó lãi suất huy động tiền gửi thấp) của các tổ chức tài chính tại Mỹ đã dẫn đến tỷ lệ nợ xấu, nợ dưới chuẩn gia tăng và hệ quả là mất khả năng thanh toán. Đây là một trong nguyên nhân chính xuất phát từ chính chất lượng tín dụng; chất lượng nợ thấp mà trong quá trình hoạt động kinh doanh các định chế tài chính đã xem nhẹ.

+ Tồn tại hạn chế của chính công cụ chứng khoán hoá: vai trò của chứng khoán hóa như đã phân tích ở phần trên là không nhỏ và được xem như là công cụ tài chính mới - “phát minh” mới. Song khi khủng hoảng trên thị trường địa ốc xảy ra, cùng với việc “nới lỏng” cho vay của các định chế tài chính, nợ xấu gia tăng nhanh và làm mất khả năng thanh toán của các định chế tài chính này, hệ quả là cuộc khủng hoảng thị trường tài chính Mỹ tiếp tục lan toả và tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ như hiện nay.

Như vậy rủi ro xuất hiện và tác động là rất lớn và đây cũng là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu đối với các định chế tài chính khác; các nền kinh tế khác đã và đang phát triển hoặc chuẩn bị phát triển công cụ tài chính hiện đại này.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, rủi ro phát sinh và tác động của rủi ro đến nền kinh tế là rất lớn. Rủi ro này xuất phát từ chính phương pháp, cách thức tạo khủng hoảng. Theo đó cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và nợ xấu phát sinh làm khủng hoảng thị trường tín dụng bất động sản tại Mỹ trong thời gian qua chỉ là bề nổi của vấn đề. Bản chất sâu xa của cuộc khủng hoảng này xuất phát từ chính cách thức tạo khủng hoảng - Đó là nghiệp vụ chứng khoán hoá. Thông qua nghiệp vụ này, các NHTM cho vay bất động sản đã có thể chuyển rủi ro của hoạt động này sang cho tổ chức khác (tổ chức thực hiện chứng khoán hoá các khoản nợ bất động sản). Chính điều này đã kích thích các NHTM mở rộng và tăng trưởng tín dụng bất động sản quá mức và rủi ro xuất hiện mang tính tất yếu khi thị trường bất động sản biến động và khủng hoảng.

Thứ hai, các NHTM cần tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc và điều kiện tín dụng trong mọi trường hợp. Đảm bảo các khoản cho vay nói chung và cho vay bất động sản nói riêng có chất lượng. Khủng hoảng tín dụng bất động sản dẫn tới nhiều định chế tài chính trung gian như: các NHTM; các tổ chức tài chính lớn; các công ty chứng khoán hoá... tại Mỹ gặp phải vấn đề về thanh khoản; kinh doanh thua lỗ xuất phát từ chính việc xem nhẹ hoạt động cho vay và qúa “tự tin” vào sự phát triển của thị trường bất động sản (thị trường bất động sản của Mỹ liên tục tăng trưởng tốt trong một thời gian dài). Hậu quả là khi thị trường điều chỉnh mạnh, các khoản cho vay bất động sản bắt đầu phát sinh nợ xấu, và tạo ra hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính của Mỹ.

Thứ ba, phát triển và ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá cần chuẩn bị kỹ lưỡng và có bước đi thích hợp. Rõ ràng hiệu ứng từ khủng hoảng thị trường bất động sản Mỹ và hệ thống tài chính nước này có sức lan toả lớn hơn rất nhiều bởi kỹ thuật chứng khoán hoá, thông qua đó nó tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính (đối với thị trường tín dụng; đối với tổ chức phát hành; đối với thị trường chứng khoán...). Mặc dù hệ thống pháp luật của Mỹ đối với thị trường tài chính nói chung và đối với kỹ thuật chứng khoán hoá nói riêng đã rất đầy đủ (từ quy định về cơ chế hoạt động; đến hệ thống các tổ chức có liên quan như tỏ chức định mức tín nhiệm; tổ chức phát hành; thị trường bất động sản; thị trường chứng khoán phát triển đạt mức hoàn thiện). Đây là bài học kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đầy đủ - Yêu cầu mang tính kỹ thuật và quyết định đến việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá.

Phạm Kim Loan

Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 8/2020
Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán hóa và những bài học kinh nghiệm: Từ khủng hoảng thị trường bất động sản Mỹ tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giải pháp sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam
Sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm… là giải pháp căn cơ nhất để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành nhuyễn thể nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.