Giải pháp sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam

26/08/2020, 09:36

TCDN - Sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm… là giải pháp căn cơ nhất để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành nhuyễn thể nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

5-2

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, cơ hội nuôi nghêu tại Việt Nam là rất lớn, ngành Thủy sản Việt Nam cần khai thác tiềm năng, lợi thế một cách hiệu quả, cần xác định những việc cần làm; Liên kết từ đầu vào tới đầu ra; Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ở tất cả các khâu, từ sản xuất giống, sản xuất nghêu thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ.

Thị trường trong nước và thị trường thế giới luôn rộng mở, trong khi đó, 28 tỉnh ven biển Việt Nam lại có nhiều bãi trống (có thể nuôi được nghêu). Do thời tiết diễn biến phức tạp, khó đoán (hạn hán, xâm nhập mặn và những tác động xấu mà người nuôi không thể lường hết) nên người nuôi cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn kỹ thuật và chỉ đạo của cơ quan quản lý (để đảm bảo tỷ lệ nghêu sống cao).

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức sản xuất, Chứng nhận quốc tế (MSC) và vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng cần được các hợp tác xã địa phương chú ý; Đồng thời, chủ động hợp tác với các nhà máy để kiểm soát đầu ra. Ngược lại, các doanh nghiệp nghêu muốn phát triển phải gắn bó chặt chẽ với vùng nuôi.

Đánh giá về tổng quan và hiện trạng sản xuất nghêu tại Việt Nam, ông Trần Công Khôi - Vụ Phó vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản cho biết, nghêu là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, là nguồn lợi thủy sản xuất khẩu quan trọng của nước ta. Định hướng nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các vùng trọng điểm của ngành thủy sản cả nước, đặc biệt nuôi nghêu tập trung tại các địa phương: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (phía Bắc); Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh (phía Nam). Trong đó, tập trung vùng phát triển vùng nuôi được kiểm soát về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng nuôi chính như: Nghêu Bến Tre, Hàu Thái Bình Dương, Sò huyết... nhằm tạo ra vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn HACCP và ứng dụng qui phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP) vào sản xuất nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện diện tích nuôi có xu hướng tăng nhanh. Nếu năm 2010, diện tích nuôi nghêu toàn quốc chỉ vào khoảng 14.760 ha, đến năm 2019 đã tăng lên mức 19.200 ha. Sản lượng thu hoạch năm 2010 vào khoảng 109.250 tấn, đến năm 2019 đạt gần 227.000 tấn, đạt mức tăng trưởng bình quân 11,97%/năm. Sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung, nghêu nói riêng được xuất khẩu sang 42 nước trên khắp thế giới, thị trường chính là EU, Bắc Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,... Nghề nuôi nghêu đã mở rộng quy mô sản xuất; có chủ động trong nghiên cứu, tạo giống, công nghệ nuôi đa dạng, thị trường tiêu thụ được mở rộng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều vấn đề: Nguồn giống cung cấp còn thiếu, bị động trong sản xuất; việc phối hợp với các ngành chưa chặt chẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra cũng như công tác cảnh báo về các hiện tượng thời tiết cực đoan chưa kịp thời và chưa có biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố khi xảy ra...

Nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2019, hầu hết bãi nghêu tại 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang thể hiện xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng ra xa bờ hơn; Tỷ lệ giảm diện tích trung bình tại 03 tỉnh là 21,7%; Mật độ và sinh lượng cũng giảm.

Nguyên nhân chính là do xói lở và bồi tụ diễn ra liên tục, xen kẽ tại các vùng ven biển; Hơn nữa, đặc điểm của nghề nghêu là nghề mở và quá trình sinh trưởng của nghêu phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên nên dễ chịu các tác động thay đổi bên ngoài. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, nghêu liên tục bị chết ở hầu hết ở các tỉnh thành ven biển nuôi nghêu. Điển hình như ở vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), trong các tháng 10 - 12/2018, tỷ lệ nghêu chết lên tới 70 - 90% đúng thời điểm đang chuẩn bị thu hoạch. Tháng 1/2020, hiện tượng nghêu chết hàng loạt lại xảy ra tại hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang (tỷ lệ chết 80-90%); Thiệt hại ước tính hơn 70 tỷ đồng.

Bà Trần Thu Nga, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương có 65km bờ biển với 48.000ha có tiềm năng nuôi trồng thủy sản khu vực nước lợ, nước mặn, trong đó có khoảng 15.000ha bãi bồi ven biển có tiềm năng về nuôi các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đặc biệt là nuôi nghêu. Bến Tre cũng là nơi có diện tích mặt nước có nghêu giống xuất hiện trong tự nhiên hàng năm lớn, gần 500ha. Nghề nuôi nghêu ở Bến Tre cũng có từ lâu đời, trước những năm 90 của thế kỷ trước. Gần đây, đã chuyển đổi mạnh mẽ hình thức nuôi với sự thành lập 3 hợp tác xã chuyên nuôi nghêu và nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Rạng Đông, Đồng Tâm và Tân Thủy.

Từ năm 2009, nghề nuôi nghêu Bến Tre cũng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC, nhãn hiệu đảm bảo “sản phẩm thủy sản được khai thác bền vững, có trách nhiệm”, tỉnh đầu tiên của nước ta đạt chứng nhận này. Một trong những tiêu chí quan trọng của chứng nhận MSC là bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Người nuôi nghêu Bến Tre đã tổ chức thành các hợp tác xã, thường bao gồm dân toàn xã nên bảo vệ môi trường tốt; cũng từ đó, con nghêu đạt tiêu chuẩn quốc tế mang lại sinh kế ổn định cho hàng nghìn người dân Bến Tre. Các thành viên hợp tác xã đầu tư vốn vào nuôi nghêu một vụ kéo dài 2 năm thu lãi từ 30 - 50%, có vụ đến 70%.

Đến mùa thu hoạch, thành viên hợp tác xã ra bãi nuôi nghêu, như đầu năm nay cứ thu hoạch mỗi gùi nghêu 20kg, được trả công 20.000 đồng. Thời gian khai thác hàng ngày chỉ trong buổi sáng, mỗi tháng thu hoạch hai đợt, tổng cộng 10 - 12 ngày. Mỗi ngày nam giới có thể thu hoạch 20 - 25 gùi, phụ nữ 10 - 15 gùi, tính ra một tháng có 3 - 5 triệu đồng.

Tổng diện tích nuôi nhuyễn thể được đánh giá Chứng nhận tiêu chuẩn MSC của Bến Tre là 5.200 ha; sản lượng hàng năm khoảng 14.000 tấn/năm. Có 8 hợp tác xã thủy sản (nghêu/ngao) của Bến Tre gồm: Rạng Đông, Đồng Tâm (Bình Đại), An Thủy, Tân Thủy, Bão Thạnh (Ba Tri), Hải Dương, Bình Minh và Thanh Phong (Thạnh Phú) đã đạt MSC từ năm 2009, đến nay đã qua 2 lần tái chứng nhận và đang chuẩn bị cho lần tái đánh giá chúng nhận lần thứ 3 vào năm 2020. Với doanh nghiệp, 3 đơn vị chế biến xuất khẩu nghêu/ngao gồm Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bentre), Công ty CP Thủy sản Bến Tre (Beseaco) và Công ty CP Thủy sản Hưng Trường Phát (Aquamarine-HTP) cũng đã đạt tiêu chuẩn MSC, CoC.

Từ thực tế tại Bến Tre, bà Trần Thu Nga đề xuất các nhóm giải pháp để nghề nuôi phát triển bền vững. Đó là tiếp tục duy trì và phát triển mô hình quản lý nghêu theo tiêu chuẩn phát triển bền vững MSC, ứng dụng rộng rãi công nghệ sản xuất nghêu giống nhằm đạt kích cỡ lớn trước khi xuất bán, thả nuôi ngoài tự nhiên; điều tra đánh giá nguồn lợi để tiếp tục xây dựng và thực hiện nghiêm các qui định bảo tồn nguồn nghêu giống ngoài tự nhiên; quy định chế độ bảo vệ và quan trắc, kiểm soát môi trường nuôi, khai thác nghêu thương phẩm và nghêu giống; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết bền vững nuôi nghêu...

Ông Đào Vương Quân, Công ty TNHH thủy sản Minh Phú (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) chia sẻ, tỉnh Nam Định là nơi tập trung nghề nuôi nghêu, sản xuất nghêu giống với tổng cộng 137 cơ sở sản xuất giống, mỗi năm cung ứng thị trường từ 20 - 30 tỷ con nghêu giống. Thách thức đối với ngành sản xuất nghêu giống tại địa phương là hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo kinh nghiệm nên sản lượng không ổn định, chất lượng không đồng đều, dễ bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi thời tiết và thiên tai...

Để nghề sản xuất nghêu giống tiếp tục phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, ông Đào Vương Quân đề xuất, Tổng cục Thủy sản cùng với các viện, trường, tổ chức, cá nhân cần phối hợp hành động, xây dựng dự án tái tạo và phát triển quần thể đàn nghêu bố mẹ chất lượng tại các tỉnh ven biển làm nền tảng và động lực khuếch trương nghề nuôi nghêu, tạo nguồn nguyên liệu thủy sản có giá trị phục vụ chế biến xuất khẩu.

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai trong giai đoạn 2018 - 2022. Dự án sẽ tập trung ở 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh (chuỗi giá trị nghêu) và Thanh Hóa, Nghệ An (chuỗi giá trị tre).

Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất; trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công - tư để quản trị chuỗi giá trị tốt.

Phương Chi

Tạp chí in số tháng 8/2020
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan