Gói hỗ trợ lần 2 sẽ vào những đối tượng nào?
TCDN - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu, có tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế trước khi báo cáo Chính phủ về gói hỗ trợ lần 2.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, xây dựng gói hỗ trợ lần 2 là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những báo cáo sơ bộ trước khi trình Chính phủ, trong đó khẳng định do tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp phải một số khó khăn, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết.
Cụ thể, trong công tác phòng chống dịch, các giải pháp về giãn cách xã hội, phong tỏa cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giao thương, giao dịch về mặt kinh tế. Đầu năm 2021, tác động này rất khác so với năm 2020, do các nước trên thế giới và ở Việt Nam đồng loạt áp dụng chính sách phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Năm 2021, các giải pháp về phòng chống COVID-19 đã có sự thay đổi, cập nhật và tiến bộ hơn. Đặc biệt là Việt Nam đã có những điều chỉnh rất phù hợp với tình hình, gắn với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đối tượng bị tác động trong xã hội cũng có sự thay đổi so với thời điểm trước đây, thị trường trong nước dần được khôi phục.
Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại (gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải hàng không).
“Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hành công văn gửi các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, trong đó có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Theo ông Phương, về mặt tiến độ, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu, có tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế trước khi báo cáo Chính phủ.
Trong khi đó, theo báo Tiền Phong đưa, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng có ba vấn đề được quan tâm là bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp trong gói hỗ trợ lần 2.
Ông Thanh cho hay, trước đây, Bộ đề xuất cho các doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020. Vấn đề này tới đây cũng sẽ tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, nếu thời gian tạm dừng quá 12 tháng sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Còn vấn đề đào tạo nghề, qua khảo sát có vẻ các doanh nghiệp không quan tâm nhiều lắm đến việc đào tạo lại, mà chỉ muốn hỗ trợ trực tiếp.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là tìm mọi cách để thực hiện. Phạm vi nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ sẽ xem xét, đề xuất.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899