Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam và bài học cho các ứng dụng giao đồ ăn
TCDN - Quyết định rút lui của Gojek sau 6 năm có mặt tại Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến công việc của hàng ngàn tài xế mà còn làm thay đổi cục diện cạnh tranh trong ngành xe công nghệ, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho các đối thủ còn lại.
Theo báo cáo của Momentum Works, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, vượt qua con số 1,4 tỉ USD của năm 2023. Tuy nhiên, việc khai thác thành công thị trường tiềm năng này không hề đơn giản.
Vừa qua, Gojeck bất ngờ tuyên bố ngày 16/09 sẽ chính thức dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù đã chi hàng triệu USD vào các chương trình giảm giá và khuyến mãi để thu hút người dùng. Ngoài ra, còn đầu tư vào công nghệ và quảng cáo, Gojek đã không thể vượt qua gánh nặng chi phí để duy trì hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù lý do chính xác về việc rút lui chưa được công bố, có thể nhận thấy rằng sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam là nguyên nhân chính.
Trước đó, một app giao đồ ăn khác là Beamin cũng rút khỏi thị trường Việt Nam.
Việc Gojek rút lui khỏi Việt Nam không gây quá nhiều bất ngờ khi các doanh nghiệp công nghệ đang đối mặt với sức ép tài chính lớn. Việc liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi khiến Gojek và các nền tảng khác gặp khó khăn về lợi nhuận. Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp không có chiến lược dài hạn vững chắc buộc phải rút lui.
Sự rút lui của Gojek tạo ra cơ hội lớn cho các đối thủ khác trên thị trường, bao gồm doanh nghiệp trong nước như Xanh SM, Loship, Be và cả các hãng taxi truyền thống nếu có những bước đi sáng tạo. Grab, với nền tảng dịch vụ tương tự Gojek và tiềm lực tài chính mạnh, đang có lợi thế lớn để mở rộng thị phần. Trong khi đó, Xanh SM thuộc VinGroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang dần khẳng định vị thế, với chiến lược phát triển bền vững và tiềm lực tài chính vững chắc.
Cuộc đua trong thị trường xe công nghệ Việt Nam giờ không chỉ xoay quanh ai nhanh hơn mà là sự bền vững, khi việc chi tiền chưa chắc đảm bảo thắng lợi. Các ứng dụng khác như Grab, Be đang đối mặt với áp lực sinh lời, khi các chiến dịch khuyến mãi chỉ thu hút khách hàng ngắn hạn nhưng gây áp lực tài chính lâu dài.
Để phát triển bền vững, các nền tảng cần tập trung vào giải pháp sáng tạo, như xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa dạng như đi chợ giùm, giao thuốc hay giao hàng từ siêu thị cũng là các yếu tố mà các nền tảng có thể khai thác để tạo sự khác biệt. Bên cạnh đó nâng cao công nghệ và cung cấp giá trị gia tăng như giao hàng an toàn hay gói đăng ký cho khách hàng trung thành.
Mặc dù Gojek đã rút lui, thị trường xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn đầy tiềm năng nhờ tầng lớp trung lưu và nhu cầu di chuyển ngày càng tăng. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm giải pháp sáng tạo để phát triển bền vững, thay vì chỉ dựa vào khuyến mãi mà cần tập trung vào giá trị cốt lõi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899