Hà Nội: Hơn 2.500 doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng

06/11/2021, 15:47

TCDN - Mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tại Hà Nội tăng 76% nhưng doanh nghiệp giải thể tăng đến 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” được tổ chức vào sáng nay (6/11), UBND TP Hà Nội cho biết, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của thành phố. 

Trong 10 tháng qua, tại Hà Nội đã có hơn 2.500 doanh nghiệp giải thể.

Trong 10 tháng qua, tại Hà Nội đã có hơn 2.500 doanh nghiệp giải thể.

Cụ thể, các lĩnh vực như Thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí,... đều suy giảm mạnh, đặc biệt là trong các tháng 7,8,9;  sang tháng 10, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ:  

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 tăng 59,8% so với tháng 9 và tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 7,8% (cùng kỳ tăng 2,2%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 3% so với tháng 9 và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng giảm 2,8% (cùng kỳ tăng 0,1%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 10,2% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng đầu năm, IIP tăng 4,2% (cùng kỳ tăng 4,4%).

Khách du lịch quốc tế tháng 10 giảm 47,2% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng giảm 81,7% (cùng kỳ giảm 79,9%). Khách du lịch trong nước tháng 10 giảm 75,5%; lũy kế 10 tháng giảm 24,7%. Trên 40% cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề; nhiều lao động tạm thời không có việc làm hoặc làm việc cầm chừng, bán thời gian; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao khoảng 21%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát 10 tháng đầu năm giảm 2,9% (cùng kỳ tăng 0,8%). Tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp. Chi đầu tư xây dựng cơ bản đến 20/10 đạt 33,91% dự toán; giảm 11,03% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư đạt thấp: Vốn trong nước ngoài ngân sách đạt 17.159 tỷ đồng; Vốn đầu tư nước ngoài thu hút được 1,21 tỷ USD (đứng thứ 8 cả nước).

Cũng theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng (giảm 10% về số lượng và 2% về vốn so với cùng kỳ năm 2020); Có 2.566 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái); đồng thời doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã kiến nghị được miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021; đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021; hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm Covid-19 cũng như tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.

PV (T/h)
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Hơn 2.500 doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Gần 100.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 10 tháng
Trong vòng 10 tháng có đến hơn 97.000 doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường, trung bình cứ mỗi ngày có hơn 320 doanh nghiệp đóng cửa. Phần lớn doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19.