Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

10/12/2022, 08:43
báo nói -

TCDN - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đối với một số dự án không đảm bảo tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực, UBND TP kiên quyết chỉ đạo chấm dứt dự án.

Thông tin tới HĐND TP về các dự án chậm tiến độ, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngay sau khi HĐND TP ban hành kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 7 HĐND TP, Thành phố ban hành các Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai; tổ chức nhiều các cuộc họp, giao ban kiểm điểm tiến độ, kiểm tra thực địa các dự án;

Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan phù hợp với thực tiễn… tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020.

Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, không đủ năng lực.

Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, không đủ năng lực.

Đến nay đã có nhiều dự án được đẩy nhanh và dự kiến hoàn thành bảo đảm tiến độ. Trong đó có Dự án Đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32); Dự án Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích; Dự án Bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức; Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng, huyện Đan Phượng...

Một số dự án như Dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội-giai đoạn 1; Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La; Dự án Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức; 2 dự án cụm công nghiệp tại huyện Phú Xuyên và huyện Sóc Sơn; Dự án Khu đô thị AIC, huyện Mê Linh; Dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; Dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa)… cũng đã có chuyển biến sau khi được tháo gỡ một số vướng mắc. 

Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng khẳng định: ‘‘Đối với các dự án không bảo đảm tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực, UBND TP đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt hoạt động dự án, như Dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên; Dự án Khu hỗn hợp Văn phòng-thương mại, dịch vụ-nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án để xây dựng trường học công lập (Dự án Trụ sở giao dịch và khách sạn tại số 6 phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa).

Riêng Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn Km 19+900 - Km 41+500 theo hình thức hợp đồng BT là dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài qua nhiều thời kỳ chính sách, có nhiều vấn đề phức tạp; trong đó có những tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp và chủ đầu tư, có sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

UBND TP đã giao Thanh tra Thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát quá trình triển khai thực hiện dự án, việc chấp hành các quy định của pháp luật của nhà đầu tư; trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chuyên môn thuộc TP, kết quả Thanh tra TP báo cáo sẽ là căn cứ để UBND TP xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm theo đúng quy định pháp luật.

Theo báo cáo của UBND TP, sau khi HĐND TP ban hành Nghị quyết 04 về xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, trong số 404 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 44 dự án với tổng diện tích hơn 2.600 ha kiến nghị trình HĐND TP thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án.

Một số chủ đầu tư dự án không liên hệ với chính quyền địa phương trong thời gian dài, để đất hoang hóa, lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt một số chủ đầu tư cố ý chây ì không làm thủ tục, chậm phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng... Có chủ đầu tư lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật để xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc nhằm kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án.

“Có trường hợp không có khả năng nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định. Số tiền nộp phạt chậm nộp còn cao hơn tiền nộp nghĩa vụ tài chính. Cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì không thực hiện” - báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm triển khai của một số chủ đầu tư còn hạn chế, lúng túng, không hoàn thiện thủ tục, thực hiện dự án. Có trường hợp không đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư, khi cơ quan thanh tra vào kiểm tra, chủ đầu tư nhận thấy không có khả năng thực hiện, chủ động có văn bản xin trả lại đất.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hà Nội: Thu hồi đất tại 23 dự án chậm triển khai
Dự án khu đô thị mới BMC, Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh, Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn tại xã Tiến Xuân cùng 20 dự khác sẽ bị thu hồi đất do chậm triển khai nhiều năm nay, gây lãng phí.
Hà Nội: Dừng loạt dự án ôm đất, chậm triển khai
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về việc chấm dứt, dừng thực hiện đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn.
Hà Nội lý giải việc hàng loạt dự án chậm triển khai
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, từ năm 2017 đến nay, TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.