Hà Nội yêu cầu xe khách không chở quá 20 người

04/02/2021, 07:55

TCDN - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu xe khách không được chở quá 50% số chỗ, mỗi xe không chở quá 20 người, "kể cả xe 80 chỗ ngồi cũng không được chở quá 20 khách" để phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 3/2, Phó chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, phường xã.

Người dân không nên hoang mang, lo lắng

Báo cáo tại phiên họp, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết từ ngày 1/2 đến 14h ngày 3/2, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới ngoài cộng đồng. Như vậy trong đợt dịch mới này Hà Nội đã có 21 trường hợp mắc COVID-19.

Đến nay xác định được 757 trường hợp F1 của 21 bệnh nhân, kết quả có 17 mẫu dương tính, 711 mẫu âm tính, còn 29 đang xét nghiệm.

Về công tác rà soát, xét nghiệm cho những người về từ vùng dịch, tổng số người về từ Chí Linh, Hải Dương từ ngày 1/1 và người về các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh từ 5/1 là 17.844 người, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm. Số mẫu đã có kết quả là 17.502 người, trong đó 4 mẫu dương tính, 17.498 mẫu âm tính. Còn lại 342 mẫu mới lấy trong ngày đang tiếp tục được chạy xét nghiệm.

Theo ông Hạnh, chỉ trong thời gian vừa qua, CDC Hà Nội đã lấy gần 40.000 mẫu để xét nghiệm, đây là con số lớn nên đòi hỏi thời gian để cho hết kết quả. Tuy nhiên với những mẫu có nguy cơ, dương tính sẽ cho kết quả trước.

"Hiện đã có tình trạng có nơi người dân hoang mang, lo lắng. Do đó các đơn vị chức năng cần phối hợp với quận, huyện tuyên truyền cho người dân hiểu, bình tĩnh xử lý và xác định các trường hợp liên quan đến ca bệnh", ông Hạnh cho hay.

ben-xe-6022-1584238321

Ngoài CDC, sẽ có 10 bệnh viện khác của TP và 12 bệnh viện trung ương tham gia xét nghiệm, tăng tốc lấy mẫu và sớm cho ra kết quả. Hà Nội đề nghị các quận huyện tiếp tục lấy mẫu các trường hợp F2 còn lại. Còn F3 phải lên danh sách, nếu có chuyển biến thì phải lấy mẫu và xử lý ngay.Đề xuất dừng hoạt động phố đi bộ

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết hằng năm khi đến tuần sát Tết Nguyên đán thì sẽ dừng hoạt động phố đi bộ Hồ Gươm. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nên quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất TP cho dừng hoạt động phố đi bộ từ tuần này (5/2) cho đến khi có thông báo chính thức của TP.

“Trong tuần qua có tổ chức không gian phố đi bộ, lực lượng cũng quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng người đến đây cũng rất ít, chỉ lác đác vài chục người, hiệu quả không cao. Nếu tiếp tục hoạt động thì sẽ có nhiều người ở nhiều nơi sẽ về đây, từ đó khó kiểm soát nguồn gốc người đến” lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói.

Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị nếu vào đêm giao thừa vẫn bắn pháo hoa ở khu vực hồ Gươm thì đơn vị cũng đề xuất cho tổ chức khoanh vùng, cấm toàn bộ không gian để kiểm soát tốt nhất. Quận Hoàn Kiếm đề xuất sớm có thông tin, ý kiến chỉ đạo để địa phương chủ động cho việc phòng dịch.

Tại cuộc họp, chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết trường hợp bệnh nhân N.Q.M. (bệnh nhân 1694) có lịch sử di chuyển phức tạp, tuy nhiên bệnh nhân này khai quanh co nên gây rất nhiều khó khăn cho ngành y tế. Từ trường hợp này, quận đề nghị các phường khi lấy lời khai thì nên có công an đi cùng để rà soát.

Khoanh vùng, phong tỏa càng hẹp càng tốt

Tại cuộc họp, giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng cần xem xét các trường hợp để phong tỏa. Với trường hợp bệnh nhân ở Cầu Giấy chỉ đưa người bệnh đi cách ly, còn lại lấy mẫu xét nghiệm cho người ở trong tòa nhà chứ không cách ly, phong tỏa toàn bộ.

Ông Hiền cho biết đối với các khu chung cư, khi xuất hiện trường hợp nào thì cần khoanh vùng lại. Sau đó lực lượng an ninh trích xuất camera để xem lại toàn bộ việc chấp hành của khu chung cư trong công tác phòng dịch, khử khuẩn, vệ sinh chung cư, ý thức của cư dân để quyết định có phong tỏa không.

"Khoanh vùng, phong tỏa càng hẹp bao nhiêu thì càng dễ quản lý bây nhiêu. Khi đã phong tỏa thì phải lấy toàn bộ mẫu, việc đi lại phải được quản lý tuyệt đối" - ông Hiền nói.

Giải đáp lo lắng của một số người dân sống ở Hà Nội về việc trước tình hình thành phố ghi nhân nhiều ca nhiễm COVID-19, thì có được về quê hay không? Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: "Hà Nội chưa có chuyện cấm".

Xe khách không được chở quá 20 người

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng đề nghị những trường hợp xét nghiệm có dương tính thì cần công bố công khai trên trang thông tin của Sở Y tế Hà Nội.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết trong 21 ca bệnh của Hà Nội thì có đến 20 ca xuất phát từ Hải Dương, 1 ca từ Quảng Ninh. Về cơ bản, thành phố đã xác định được chuỗi lây bệnh, nếu tiếp tục sẽ xử lý truy vết tốt.

Ông Dũng đề nghị công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. "Mặc dù đây là công việc không ai mong muốn nhưng một số người dân ý thức chưa tốt nên phải xử lý. Với những trường hợp xử phạt cũng cần có thông tin ngay về danh tính, địa chỉ, cơ quan làm việc. Các địa phương phải thống kê kết quả xử phạt hàng ngày về Ban Chỉ đạo", ông Dũng yêu cầu.

Với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc hạn chế số người sử dụng các loại xe dịch vụ, hợp đồng, xe buýt trên địa bàn. Ông Dũng đồng ý việc xe khách không được chở quá 50% số chỗ, mỗi xe không chở quá 20 người. "Kể cả xe 80 chỗ ngồi cũng không được chở quá 20 khách", Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

PV(t/h)
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội yêu cầu xe khách không chở quá 20 người tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã
Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã; nghiên cứu phương án tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại 1 địa điểm thích hợp với yêu cầu nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 (không tập trung đông người) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân.
Hà Nội sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ người dân Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo ngành y tế tập trung lên kế hoạch, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực hợp pháp bảo đảm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho toàn bộ dân thủ đô, ưu tiên cho những người có rủi ro cao.