Hàng không thu phụ phí quá cao?

13/07/2020, 10:06

TCDN - Bước vào dịp cao điểm hè 2020, với chủ trương kích cầu du lịch nội địa, ngành hàng không đang vô cùng bận rộn khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều hành khách đặt vấn đề, vì sao gọi là kích cầu mà các hãng hàng không vẫn thu phụ phí rất cao.

Đặc biệt, có hành khách dẫn chứng về việc vé máy bay của Vietnam Airlines đang phụ thu quản trị hệ thống lên tới 350.000 đồng/chiều.

Có một thực tế là, nhiều hành khách chưa có thói quen tìm hiểu kỹ về cơ cấu giá vé máy bay. Cho đến khi một số hãng hàng không, nhất là hàng không giá rẻ có niêm yết giá vé rất thấp, nhưng số tiền phải trả thực tế lại cao hơn khi cộng thêm hàng loạt thuế phí, có khi cao gấp đôi, nhiều người mới tá hỏa.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), cơ cấu giá vé máy bay nội địa của Việt Nam thường bao gồm: giá vé máy bay do hãng niêm yết, thuế giá trị gia tăng, phí an ninh soi chiếu, phí sân bay, phí quản trị, phụ thu xăng dầu...

Trong đó, một số loại thuế phí các hãng đều phải thu như nhau là: thuế giá trị gia tăng nộp cho nhà nước, phí dịch vụ hành khách (phí sân bay) và phí soi chiếu an ninh do hãng hàng không thu hộ nộp cho các đơn vị quản lý cảng, mức thu tùy từng sân bay. Ví dụ sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất thu cao hơn các sân bay địa phương. Còn lại một số loại phí do hãng tự thu với những mức thu khác nhau, tùy theo sự tính toán của các hãng...

Từ 1-4, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã thực hiện tăng phí quản trị hệ thống cho các hành trình nội địa từ 250.000 đồng lên 350.000 đồng. Tương tự, sau giai đoạn giãn cách xã hội, Vietjet Air cũng đã nâng mức phí quản trị hệ thống với các hành trình nội địa từ 210.000 đồng lên 280.000 đồng, Bamboo Airways từ 210.000 đồng lên 250.000 đồng. Theo lý giải từ các hãng hàng không, việc thu các khoản phí này nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh của hãng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Các khoản phí làm giá vé máy bay tăng cao, vậy việc đặt ra khoản phí này có đúng quy định của pháp luật và nhà nước có kiểm soát được? Theo Cục HKVN, cơ cấu giá vé máy bay của Việt Nam cũng tương tự cơ cấu giá vé máy bay của các hãng hàng không khác trên thế giới. Điểm khác biệt là, tuy giá vé máy bay tại Việt Nam được điều hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có can thiệp của nhà nước bằng quy định giá trần.

Hiện khung giá trần vé máy bay nội địa đang áp dụng như quy định từ tháng 8-2015 với 5 khung giá, thấp nhất là 1,6 triệu đồng/vé với đường bay dưới 500km và cao nhất là 3,75 triệu đồng/vé với đường bay từ 1.280km trở lên. Các hãng có thể thu thêm các loại phí nhưng tổng giá vé không được vượt quá giá trần.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu hãng hàng không nào đẩy giá vé lên cao mà chất lượng dịch vụ không tương xứng thì hành khách có quyền quay lưng. Do đó, các hãng cần rất cân nhắc trước khi quyết định các loại phụ thu.

Hiện có hãng hàng không niêm yết giá vé rõ ràng, bao gồm giá vé của hãng và các loại thuế, phí và lệ phí. Cũng có hãng chỉ niêm yết giá vé chưa bao gồm thuế phí. Để tránh nhầm lẫn cho khách hàng, Cục HKVN cho biết, đang báo cáo Bộ GTVT sửa thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết Hàng không thu phụ phí quá cao? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp nào cứu các hãng hàng không?
Cuối tuần qua, Thường trực Chính phủ họp bàn phương án giải cứu Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Lý do là trước tháng 8 năm nay, Vietnam Airlines cần 12.000 tỷ đồng để hoạt động nếu không sẽ lâm nguy với nhiều hệ lụy.