Nguồn thu ngân sách: Giữ lại bao nhiêu là đủ?

13/07/2020, 10:00

TCDN - Cần nâng tỉ lệ giữ lại ngân sách của Thành phố để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện nhưng không sa vào tăng trưởng quá nóng...

B í thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Một đồng ngân sách để lại Thành phố sẽ tạo ra sản phẩm gấp 3 lần”. Rõ ràng, đóng góp của Thành phố vào ngân sách là rất lớn. Nhưng 20 năm qua, tỉ lệ ngân sách để lại cho Thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm.

Tránh "bẫy" ở đại đô thị

Tỉ lệ đóng góp của TP.HCM vào ngân sách cả nước ngày càng tăng, từ 26,5% giai đoạn 2001-2010 lên mức 27,5% giai đoạn 2011-2019. Năm 2000, Thành phố có tỉ lệ ngân sách được giữ lại là 33% nhưng chỉ còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.

Nếu TP.HCM được tự quyết ngân sách và giả định là giữ được mức tăng trưởng không đổi, sau 30 năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố sẽ bằng GRDP của khu vực Metropolitan Bangkok (Đại đô thị Bangkok) hiện tại. GRDP của TP.HCM năm 2019 là hơn 58 tỉ USD, Bangkok là 150 tỉ USD và Metropolitan Bangkok là 250 tỉ USD. GRDP của TP.HCM hiện chiếm khoảng 1/4 GDP cả nước, đã là tỉ lệ lớn, trong khi GRDP của khu vực Metropolitan Bangkok chiếm hơn 44% GDP của Thái Lan, với dân số hơn 14 triệu người.

Đây là vấn đề mà khu vực Metropilitan Bangkok, Jarkata, Metro Manila của Philippines... đã và đang rơi vào tình thế nan giải chính sách giữa tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, giải quyết những hệ quả xã hội do bất bình đẳng. Nếu TP.HCM tăng trưởng quá nhanh trong khi nhiều tỉnh thành khác ì ạch, dựa dẫm thì lại gia tăng khoảng cách bất bình đẳng, méo mó vĩ mô. Và nếu TP.HCM tiếp tục tăng trưởng nhanh trong khi không giải quyết được sự yếu kém của hạ tầng và dịch vụ công, sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Dân số 14 triệu người ở khu vực Metropolitan Bangkok lớn hơn 14 lần dân số của thành phố lớn thứ 2 là Chiang Mai (Bangkok hơn gần 10 lần). Mặc dù chiếm khoảng 15% tổng dân số 68 triệu người của Thái Lan, Metropolitan Bangkok lại chiếm hơn 44% GDP. 13% dân số sống ở Manila (Metro Manila), hơn 12 lần so với thành phố Cebu, Philippines.

c2c15da5f1e618b841f7

Việt Nam hiện có khoảng cách bất bình đẳng (Gini) còn ở mức trung bình, chưa phải cao, đây là thành quả cần phải bảo vệ và ngày càng được nâng cao. Sự chênh lệch khoảng cách về GRDP và dân số giữa 2 thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội đã được kéo gần.

Lấy nguồn thu của TP.HCM để hỗ trợ các tỉnh thành yếu kém khác là không công bằng với đóng góp của người dân Thành phố, vấn đề là theo nguyên tắc công bằng, tức là lấy nơi giàu chia cho chỗ nghèo; chấp nhận một nơi không hài lòng để nhiều nơi hài lòng.

Không tăng trưởng vì thành tích

Dẫu vậy, nếu TP.HCM được giữ lại nguồn thu lớn hơn - theo nguyên tắc hiệu quả, thì hy vọng Thành phố sẽ có quyết sách đúng đắn đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Như qua việc ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông nội đô và đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục và y tế công, dịch vụ hành chính công, thay vì nguồn vốn ấy lại được tiếp tục đầu tư cho một mức tăng trưởng cao mới vì thành tích.

TP.HCM có thể không cần phải duy trì mức tăng trưởng cao như hiện tại, bởi tăng trưởng là luôn phải cần tiền, phải đánh đổi; ưu tiên cho cái này thì phải hy sinh cho cái khác. Khi tăng trưởng nóng sẽ thu hút dân nhập cư tăng cao, gây quá tải hạ tầng giao thông, dịch vụ công. Khoảng cách bất bình đẳng giữa các giai tầng thị dân trong thành phố sẽ càng được nới rộng, gia tăng bất ổn xã hội. Tăng trưởng có thể tốt về mặt nào đó, nhưng tăng trưởng mà đánh đổi chất lượng cuộc sống là điều không nên.

Tăng trưởng nóng kéo theo hệ lụy về quá tải hạ tầng. Ảnh: Quý Hòa

Tăng trưởng nóng kéo theo hệ lụy về quá tải hạ tầng. Ảnh: Quý Hòa

Đầu tư vào các chính sách phát triển có thể hy sinh một phần mức tăng trưởng trong ngắn và trung hạn, nhưng cái lợi về lâu dài sẽ vô cùng to lớn. Nâng cao được chất lượng hạ tầng giáo dục và y tế tốt hơn sẽ giúp Thành phố gia tăng năng suất tổng trong dài hạn, từ đó có thể bắt kịp được với sự thay đổi của thế giới. Đầu tư vào vốn con người và vốn xã hội sẽ là hướng đi đúng đắn để hòa mình vào với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng trưởng bất chấp là chỉ quan tâm đến một bộ phận người có quyền và người giàu có, không cải thiện được điều kiện sống của đại đa số nhân dân; tăng trưởng không gốc rễ sẽ làm đạo đức xã hội bị suy thoái, mất trị an gia tăng. Chất lượng cuộc sống suy giảm sẽ làm tăng những khoản phí tổn xã hội còn lớn hơn nhiều lợi ích ngắn hạn.

TP.HCM đã vào danh sách các thành phố có GRDP trên 50 tỉ USD. Thành phố với dân số từ 10 triệu người đã là đại đô thị, thì tỉ lệ ngân sách được giữ lại phải ở mức bình quân 35-45%, tức cao hơn 2 lần tỉ lệ mà TP.HCM đang được hưởng, mới có thể tái đầu tư cho phát triển bền vững.

Như vậy, cần nâng tỉ lệ giữ lại ngân sách của Thành phố để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, trở thành hình mẫu phát triển của đất nước, vì lợi ích chung của quốc gia. Quan trọng nhất là phải chống được tham nhũng, quan liêu và lãng phí thì mới xây dựng được niềm tin nơi người dân, nâng cao chất lượng vốn xã hội. Không có niềm tin thì chính sách tốt cũng thất bại.

Theo NCĐT

Bạn đang đọc bài viết Nguồn thu ngân sách: Giữ lại bao nhiêu là đủ? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp nào giúp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 2020?
10 giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất trong bối cảnh kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid 19, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019
Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng qua ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó, thu nội địa giảm hơn 7%, thu dầu thô đạt 59,7% dự toán.