Hàng nhập khẩu thuê gia công sẽ được xử lý thuế như thế nào?
TCDN - Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được nhiều phản ánh từ các đơn vị hải quan địa phương về vướng mắc liên quan đến xử lý thuế đối với hàng hoá NK thuê gia công.
Để kịp thời hỗ trợ cho đơn vị hải quan địa phương có căn cứ áp dụng vào quá trình hoạt động nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Trong quá trình hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế nêu đơn vị có phát sinh vướng mắc liên quan đến xử lý thuế đối với hàng hoá NK thuê gia công lại.
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, Khoản 6, Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; Khoản 1, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ hàng hoá NK để gia công, sản phẩm gia công XK theo hợp đồng gia công được miễn thuế XNK và Khoản 2, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP cũng quy định cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế.
Cũng tại Điều 62 Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi tại Điểm 1 Khoản 41 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê tổ chức, cá nhân khác gia công lại thì tổ chức, cá nhân ký hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài là người làm thủ tục XNK, báo cáo quyết toán hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng gia công này. Tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài có trách nhiệm thông báo hợp đồng gia công lại cho chi cục hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất theo các chỉ tiêu thông tin quy định lại theo mẫu số 23, mẫu số 24 Phụ lục II ban hành kèm theo thông tư này qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 18a/TB-HĐGCL/QSQL Phụ lục V thông tư này bằng văn bản cho chi cục hải quan quản lý trước khi giao nguyên liệu vật tư cho đối tác nhận gia công lại.
Như vậy theo Tổng cục Hải quan, quy định người nộp thuế hoặc tổ chưc, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế phải thông báo hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan là cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP; Điều 62 Thông tư 38/2015/TT-BTC, Điểm 1, Khoản 41, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Trên cơ sở hồ sơ thực tế, cơ quan Hải quan đối chiếu quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 33 Nghị định 83/2013/NĐ-CP để thực hiện ấn định thuế theo quy định. Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Cục Hải quan Thừa Thiên Huế căn cứ các quy định nêu trên và hướng dẫn tại công văn số 7246/TCHQ-TXNK ngày 20/11/2019, hồ sơ thực tế để thực hiện.
Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nêu vướng mắc về xử lý thuế đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm của loại hình gia công xuất trả bên nước ngoài đặt gia công.
Theo Tổng cục Hải quan, việc xử lý thuế đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm của hợp đồng gia công xuất trả cho bên nước ngoài đặt gia công, Điều 2 Luật Thuế XK, thuế NK đã quy định về đối tượng chịu thuế XK, thuế NK.
Tại Khoản 7, Điều 39 Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/52018 của Chính phủ quy định đối với hợp đồng gia công phải có điều khoản quy định về biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị, thuê mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.
Khoản 3, Điều 44 Nghị định 69/2018/NĐ-CP cũng quy định máy míc, thiết bị thuê, mượn thêo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liêụ, phế thảo được xử lý theo thoả thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Điểm b, Khoản 3, Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định hàng hoá là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư NK để gia công thuộc đối tượng chịu sự giám sát hải quan (từ khi NK đến khi XK)
Theo đó, căn cứ Điều 48 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 21, Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định các hình thức tái xuất hàng hoá NK đã hoàn thành thủ tục hải quan gồm: “a) Tái xuất để trả cho khách hàng; b) Tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan”.
Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định miễn thuế đối với hàng hoá NK để gia công. Hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, hàng hoá NK để gia công không sử dụng phải tái xuất. Trường hợp không tái xuất phải kê khai nộp thuế theo quy định.
Cũng tại Khoản 2, Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 42 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định các hình thức xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn thực hiện: Bán tại thị trường Việt Nam; XK trả cho nước ngoài; chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; biếu, tặng tại Việt Nam; tiêu huỷ tại Việt Nam.
Với các quy định trên, theo Tổng cục Hải quan, đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm bên nhận gia công xuất trả cho bên nước ngoài đặt gia công không thực các trường hợp phải nộp thuế XK. Cơ quan Hải quan ban hành quyết định không thu thuế trong thông quan tương tự như đối với trường hợp hàng hoá NK sau đó phải tái xuất (hiện nay, hệ thống VNACCS chưa thiết lập mã miễn thuế XK đối với phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa xuất trả cho bên đặt gia công).
Trường hợp phế liệu, phế phẩm, vật tư dư thừa DN XK theo hợp đồng mua bán hàng hoá cho bên thứ ba (không phải bên đặt gia công) và không đáp ứng các quy định tại Khoản 3, Điều 44 Nghị định 69/2018/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi tại Khoản 42, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, DN phải kê khai nộp thuế XK như đối với hàng hoá XK theo loại hình xuất kinh doanh. Trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện DN lợi dụng hình thức xuất trả cho bên nước ngoài đặt gia công (XK nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm từ các nguồn khác không phải từ hợp đồng gia công), cơ quan Hải quan xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan Hải quan chưa phát hiện hành vi vi phạm nhưng nhận định có dâis hiệu rủi ro đối với các tờ khai xuất trả nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm cho bên nước ngoài đặt gia công, Tổng cục Hải quan đề nghị, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra sau thông quan để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến bổ sung quy định miễn thuế XK đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm xuất trả cho bên nước đặt gia công, Tổng cục Hải quan cho biết, để minh bạch về chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công xuất trả cho bên nước ngoài đặt gia công, tại Khoản 4, Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng hàng hoá NK để gia công, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công sản phẩm XK trả cho bên nước ngoài đặt gia công được miễn thuế XNK.
Theo Báo Hải quan
email: [email protected], hotline: 086 508 6899