HĐND cấp tỉnh phải nộp 100% tiền thu lệ phí vào ngân sách

06/01/2020, 09:49

TCDN - Từ ngày 13/1/2020, các khoản lệ phí, tổ chức thu lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải nộp 100% số tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 85/2019/TT-BTC.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp 100% về ngân sách nhà nước

Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp 100% về ngân sách nhà nước

21 khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh

Thông tư đã quy định cụ thể danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, gồm 21 loại phí; danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, gồm 7 lệ phí.

Việc quyết định mức thu đối với từng khoản phí, lệ phí do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định phải đảm bảo căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu; phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động thu phí, lệ phí.

Đối với các khoản phí, lệ phí vừa thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính vừa thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh như: phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng; phí thư viện; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí đăng ký giao dịch bảo đảm; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đi làm việc tại Việt Nam,... thì mức thu phí, lệ phí cần đảm bảo tương quan với mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động do cơ quan trung ương thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo mức thu của các địa phương có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương đồng để bảo đảm sự hài hòa, thống nhất giữa các địa phương.

Đối với mức phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng, mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến thăm quan. Những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng khác.

Không ban hành văn bản thu phí sử dụng đường bộ

Về quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí, thông tư nêu rõ: Đối với phí, HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm trích để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí, phần còn lại (nếu có) nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với lệ phí, tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư cũng quy định rõ, các khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh cần nghiên cứu kỹ thực tế để ban hành văn bản thu phí, lệ phí cho phù hợp; không ban hành văn bản đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục phí và lệ phí nhưng chưa thấy cần thiết và chưa đủ điều kiện thu.

Ngoài ra, không ban hành văn bản thu phí sử dụng đường bộ (đối với đường thuộc địa phương quản lý); phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển. Việc quy định mức thu, phương pháp thu 4 khoản phí này thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành có liên quan.

Việc quyết định thu phí, lệ phí cần có sự tham khảo các địa phương khác để đảm bảo sự tương đồng giữa các địa phương và đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù về phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, thành phố thì HĐND cấp tỉnh căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để quyết định theo thẩm quyền.

21 khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh

1. Phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống (đối với hoạt động bình tuyển, công nhận do cơ quan địa phương thực hiện).

2. Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (bao gồm: khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và khu vực cửa khẩu cảng biển).

3. Phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

4. Phí thăm quan danh lam thắng cảnh (đối với danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý).

5. Phí thăm quan di tích lịch sử (đối với di tích thuộc địa phương quản lý).

6. Phí thăm quan công trình văn hóa, bảo tàng (đối với công trình thuộc địa phương quản lý).

7. Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

8. Phí thư viện (đối với thư viện thuộc địa phương quản lý).

9. Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).

10. Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).

11. Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

12. Phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).

13. Phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).

14. Phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).

15. Phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).

16. Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.

17. Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

18. Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay.

19. Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển.

20. Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển.

21. Phí đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với hoạt động đăng ký do cơ quan địa phương thực hiện).

7 khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh

1. Lệ phí đăng ký cư trú (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).

2. Lệ phí cấp chứng minh nhân dân (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).

3. Lệ phí hộ tịch.

4. Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đối với cấp phép do cơ quan địa phương thực hiện).

5. Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.

6. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

7. Lệ phí đăng ký kinh doanh.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết HĐND cấp tỉnh phải nộp 100% tiền thu lệ phí vào ngân sách tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính giải trình về thuế đối với tiền phí để lại cho doanh nghiệp
Quy định tiền phí để lại cho doanh nghiệp phải khai nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí đang thu hút sự tham gia ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương.