Bộ Tài chính giải trình về thuế đối với tiền phí để lại cho doanh nghiệp
TCDN - Quy định tiền phí để lại cho doanh nghiệp phải khai nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí đang thu hút sự tham gia ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo giải trình của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung nghị định số 120/2016/NĐ-CP bổ sung quy định về thuế đối với tiền phí để lại cho doanh nghiệp. Cụ thể: Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định tiền phí để lại cho tổ chức được cơ quan nhà nước giao thu phí là doanh thu của doanh nghiệp nhưng chưa quy định rõ doanh thu này chịu thuế thế nào.
Tại dự thảo Nghị định quy định tiền phí để lại cho doanh nghiệp là doanh thu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khai nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, cần hoàn thiện quy định đối với loại hình đơn vị sự nghiệp được áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với Nghị định sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Đơn vị sự nghiệp công áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì khoản phí để lại không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hay đây là doanh thu của tổ chức thu phí và phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí, dịch vụ công do nhà nước (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao) cung cấp, được thực hiện thu phí thuộc ngân sách nhà nước không chịu thuế thế. Cùng dịch vụ này doanh nghiệp cung cấp thì được thực hiện thu theo cơ chế giá (phí không thuộc ngân sách nhà nước doanh nghiệp khai nộp thuế theo quy định).
Trường hợp đơn vị sự nghiệp chuyển thành doanh nghiệp và dịch vụ quy định thu phí doanh nghiệp mới được phép cung cấp (không thuộc dịch vụ mà nhà nước cung cấp) thì doanh nghiệp sẽ thu tiền cung cấp dịch vụ này theo cơ chế giá. Như trường hợp dịch vụ công chứng, phòng công chứng thực hiện công chứng - thu phí (không chịu thuế) văn phòng công chứng thực hiện công chứng thu giá dịch vụ (chịu thuế).
Liên quan đến quy định này, thành phố Hà Nội nêu ý kiến, theo quy định tại thông tư số 193/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Nếu Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định khoản tiền để lại cho tổ chức thu phí, lệ phí phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cần rà soát sửa đổi các quy định liên quan.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thu phí thì khoản tiền phí để lại cho tổ chức áp dụng tương tự trường hợp đặt hàng giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công theo quy định tại Nghị định 32/2019NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; không phải thù lao thu hộ chi hộ như quy định tại thông tư số 193/2015/TT-BTC.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899