"Ngành Thuế đã cải cách toàn diện trong 2019"
TCDN - Những năm qua, ngành Thuế đã liên tục chuyển động, cải cách để thay đổi diện mạo, hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện với người nộp thuế. Sự đổi mới của ngành đã chính thức được ghi nhận một cách tích cực, không chỉ bởi các tổ chức quốc tế mà còn ở chính cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Năm 2019, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã đạt được một bước tiến tốt đẹp khi không chỉ cải thiện được thứ hạng mà các tiêu chí của chỉ số này cũng thay đổi tích cực. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Tại Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia. Theo đó, phần lớn các chỉ tiêu quyết định đến chỉ số này đều có sự cải thiện. Trong đó, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ). Trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về khai thuế Giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp. Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm 4 lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020). Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, bảo hiểm xã hội 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.
Như vậy, với chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế), tiệm cận mục tiêu đến năm 2021, chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.
Đây thực sự là một kết quả ấn tượng với ngành Thuế. Nếu như tại Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu được công bố năm 2018, chỉ số nộp thuế của Việt Nam có sự sụt giảm nhẹ do có độ trễ của chính sách thì đến năm 2019, nỗ lực của toàn ngành Thuế đã được ghi nhận, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện.
Để có được kết quả này, ngành Thuế đã nỗ lực không ngừng để đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế nhằm cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực vượt bậc trong đẩy mạnh cải cách toàn diện của toàn hệ thống thuế trong suốt một năm qua từ thể chế, phương thức đến bộ máy.
Năm qua, ngoài việc được tổ chức quốc tế công nhận thành quả, cái nhìn của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đối với ngành Thuế cũng thay đổi đáng kể. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Tại Báo cáo đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan thuế được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 10/2019, có tới 78% doanh nghiệp hài lòng về kết quả cải cách thuế. Đây là năm thứ ba VCCI tổ chức đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp với kết quả cải cách của ngành Thuế. Nếu như chỉ số này ở năm 2014 chỉ là 71%, năm 2016 là 75% thì bước sang năm 2019 chỉ số này đã tăng lên là 78%.
Phân tích sâu hơn về báo cáo đánh giá này của VCCI, có thể thấy trong đó có nhiều chỉ số đạt tỷ lệ cao như: Có đến 90% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận thông tin về thuế dễ dàng, thuận lợi; 80% đánh giá thu tục hành chính thuế dễ/tương đối dễ thực hiện; hay có đến gần 97% doanh nghiệp cho biết cảm thấy dễ/tương đối dễ khi thực hiện các thủ tục thuế điện tử…
Chúng tôi cho rằng đây là nguồn động viên khích lệ rất tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dành cho cơ quan Thuế. Kết quả đánh giá đó cũng cho thấy những nỗ lực của Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế nói riêng trong việc thực hiện cải cách, đơn giản hóa chính sách, thủ tục hành chính thuế, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp khai thuế, nộp thuế điện tử… trong những năm qua đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, phù hợp với nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp.
Chiến lược cải cách hệ thống Thuế 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu “Đến năm 2020 tối thiểu có 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp”. Với kết quả năm nay, tôi cho rằng ngành Thuế đã tiến gần đến mục tiêu Chiến lược 2020 đã đặt ra.
Được biết, tại Báo cáo của VCCI, chỉ số “Sự phục vụ của công chức thuế” năm 2019 đã tăng 1,5 điểm so với năm 2016 (2019 là 7,86 điểm, 2016 là 6,36 điểm). Ngành Thuế đã nỗ lực như thế nào để hình ảnh công chức thuế trong mắt cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trở nên tốt đẹp như vậy?
Tôi cho rằng đây là kết quả của việc ngành Thuế đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, từ việc đào tạo tập huấn trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thuế đến chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật công vụ; rèn luyện tác phong làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế… Những điều đó đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá khá công bằng.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, thời gian qua, ngành Thuế đã và đang tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ của công chức thuế, đặc biệt là tập trung vào những khâu trọng yếu có khả năng gây phiền hà, nhũng nhiễu, phát sinh tiêu cực cho người nộp thuế như giám sát việc thực hiện thanh tra thuế (ghi nhật ký thanh tra/kiểm tra điện tử), xử lý kết quả sau thanh tra, kiểm tra; giải quyết hoàn thuế của doanh nghiệp… Tới đây, toàn ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của công chức thuế; đảm bảo việc quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính thuế đúng quy định của pháp luật và hướng tới nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, cả về thể chế pháp luật và cải cách hành chính đã được Tổng cục Thuế làm rất tốt. Điều này sẽ đóng góp như thế nào trong công tác quản lý của ngành Thuế cả hiện tại và trong tương lai, thưa ông?
Một dấu mốc quan trọng của toàn ngành Thuế trong năm 2019 đó chính là việc Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào 1/7/2020. Phải khẳng định rằng, Luật Quản lý thuế mới sẽ là cơ sở pháp lý cho những cải cách, đơn giản hóa các quy định, trình tự thủ tục, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, áp dụng hóa đơn điện tử…
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa hơn nữa cho người nộp thuế, ngành Thuế cũng đang tiếp tục duy trì và đảm bảo hệ thống thuế điện tử (khai, nộp, hoàn, đăng ký thuế) để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cả về hệ thống mạng thông tin, ứng dụng và vận hành. Tổng cục Thuế cũng đã triển khai xong hệ thống eTax trên toàn quốc. Hệ thống này cho phép doanh nghiệp truy cập để tra cứu được nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế, số thuế còn nợ... của mình để đảm bảo sự chính xác, đồng bộ giữa số liệu của cơ quan thuế và doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp phát hiện số liệu có sai sót, nhầm lẫn thì điều chỉnh kịp thời.
Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách, bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới trong công cuộc cải cách hiện đại hóa toàn ngành. Mục tiêu hướng tới của cuộc cải cách này đó chính là: Thể chế chính sách thuế minh bạch; quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp và tự động hóa cao. Đây được xem là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hải quan
email: [email protected], hotline: 086 508 6899