Hiệu quả hoạt động DNNN: Tăng doanh thu, giảm nợ phải trả

30/11/2020, 13:43

TCDN - Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN. Tuy nhiên, tại một số DNNN vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

5-1

Tổng tài sản tăng 3%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện cả nước có 327 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (doanh nghiệp có vốn nhà nước), gồm: 31 TĐ, TCT, Công ty mẹ - con cổ phần; 296 công ty cổ phần độc lập. Trong đó: 188 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và 139 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ).

Năm 2019, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là 813.955 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, khối TĐ, TCT, Công ty mẹ - con cổ phần có tổng tài sản là 718.881 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2018 và chiếm 89% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 26% tổng tài sản.

Tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo báo cáo hợp nhất là 371.511 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 65% tổng số nợ phải trả. Khối TĐ, TCT, Công ty mẹ - con cổ phần có tổng số nợ phải trả theo số liệu báo cáo hợp nhất là 321.281 tỷ đồng, chiếm 87% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2019 là 335.627 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018. Trong đó, vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần là 177.132 tỷ đồng, duy trì tương đương so với thực hiện năm 2018.

Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 185 doanh nghiệp có vốn nhà nước, chủ yếu tập trung tại các TĐ, TCT lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: TCT Cơ khí Xây dựng (âm vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng); TCT Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (âm vốn chủ sở hữu 505 tỷ đồng); TCT Sông Hồng (âm vốn chủ sở hữu 666 tỷ đồng); Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 99 tỷ đồng); Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 40 tỷ đồng).

Một số doanh nghiệp liên doanh hoạt động kém hiệu quả, bị âm vốn chủ sở hữu như: Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - Đài truyền hình Việt Nam (âm vốn chủ sở hữu 2.962 tỷ đồng); Công ty liên doanh Hải Thành - Hải Phòng (âm vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng).

Tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 662.286 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018. Trong đó, xét theo số liệu báo cáo hợp nhất, khối TĐ, TCT, Công ty mẹ - con cổ phần có doanh thu là 580.090 tỷ đồng, chiếm 88% tổng doanh thu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Năm 2019, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 113.356 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Trong đó, số phát sinh phải nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh nội địa chiếm 81% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, số cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước tại các Công ty mẹ doanh nghiệp có vốn nhà nước theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ hoặc HĐTV được chia trong năm báo cáo (bao gồm cổ tức, lợi nhuận được chia của các năm trước nhưng chia trong năm 2019) là 21.663 tỷ đồng, các Công ty mẹ doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện nộp cổ tức, lợi nhuận được chia vào NSNN trong năm 2019 là 11.704 tỷ đồng, trong đó nộp vào ngân sách địa phương là 827 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 10.877 tỷ đồng.

Các Công ty mẹ doanh nghiệp có vốn nhà nước có số nộp cổ tức vào NSNN lớn như: TĐ Xăng dầu Việt Nam nộp 2.552 tỷ đồng, TCT Cảng hàng không nộp 1.869 tỷ đồng, TCT Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội nộp 1.433 tỷ đồng, TCT Hàng không Việt Nam nộp 1.222 tỷ đồng, TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam nộp 1.164 tỷ đồng, TCT Đầu tư và phát triển công nghiệp nộp 593 tỷ đồng.

Xử lý trách nhiệm chưa kịp thời

Bộ Tài chính đánh giá, hoạt động của DNNN còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số cán bộ quản lý DNNN còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động nên vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tại một số DNNN vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa kịp thời.

Việc tổ chức thực hiện pháp luật về công bố thông tin còn mang tính hình thức dẫn tới khó giám sát được doanh nghiệp, không đủ thông tin khách quan về DNNN, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực về tính minh bạch của DNNN, trước hết là DNNN các ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc do Nhà nước định giá, điều tiết giá hoặc các ngành cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp như: DNNN phải xác định rõ ngành nghề, định hướng kinh doanh trong giai đoạn tới để đón đầu những thay đổi về chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và thế giới.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo các TĐ, TCT, DNNN áp dụng chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Tăng cường áp dụng công nghệ trong quản lý, chỉ đạo, điều hành doanh nghiệp, coi việc áp dụng công nghệ thông tin là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường giám sát, công khai, minh bạch hoạt động của DNNN.

TĐ, TCT, DNNN phải đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp. Trong đó tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm thuộc lĩnh vực chế tạo, cơ khí để bắt kịp với trình độ của các nước trong khu vực.

Ngoài ra, DNNN đẩy mạnh phối hợp, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác và các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trong khu vực để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất.

Hoàng Hà

Tạp chí in số tháng 11/2020
Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả hoạt động DNNN: Tăng doanh thu, giảm nợ phải trả tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan