Hồ sơ cổ phần hoá CIENCO1: Ai tiếp tay cho Út ‘trọc’?

08/09/2020, 11:24

TCDN - Giai đoạn 2011-2016, ngành giao thông tiến hành CPH hàng loạt các TCT Xây dựng Công trình giao thông CIENCO1, 4, 5, 6, 8… Nhưng lùm xùm nhất là việc CPH CIENCO1 khi Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) qua 4 công ty là: Yên Khánh, An Hiền, Cái Mép, Khánh An chiếm 90% tỷ lệ cổ phần. Ai là người tiếp tay cho Út ‘trọc’?

anh_1_1__btze

Bất ngờ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CIENCO1

Phải nói rằng, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng, tuy nhiên, trong quá tình thực hiện còn thiếu sót nên dẫn đến những hậu quả khó lường.

Ví dụ như CIENCO1, từ năm 2013, đơn vị này bắt đầu tiến hành các thủ tục để CPH doanh nghiệp. Qua đó, xác định phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 478,3 tỷ đồng (thời điểm đó)

Đến ngày 28/4/2014, tại quyết định số 1584/QĐ-BGTVT về phê duyệt cơ cấu vốn điều lệ của CIENCO1 có tỷ lệ: Nhà nước nắm 35% vốn điều lệ (VĐL) (tương đương 245 tỷ đồng); bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) 10,4% VĐL (khoảng 72,9 tỷ đồng); CP với giá ưu đãi cho người lao động theo số năm công tác 1,69% VĐL (11,7 tỷ đồng); CP ưu đãi cho người lao động theo năm cam kết làm việc 8,73 VĐL (61,1 tỷ đồng).

unnamed

Đáng chú ý, thời điểm tháng 4/2014 xác định: “Cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược chỉ chiếm 31% VĐL (tương đương 217 tỷ đồng) và cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường chiếm 23,58% VĐL (tương đương 165 tỷ đồng). Tổng vốn điều lệ CIENCO1 là 700 tỷ đồng”.

Ngay sau đó, có 3 nhà đầu tư chiến lược quan tâm và mua cổ phần CIENCO1 là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (gọi tắt là Yên Khánh) mua 7 triệu CP tương đương 10% VĐL. Công ty CP Fecon (gọi tắt là Fecon) mua 7 triệu CP tương đương 10% VĐL và Công ty CP máy xây dựng Hassyu, Nhật Bản (gọi tắt là Hassyu) mua 7,7 triệu CP chiếm 11% VĐL.

Như vậy, đến tháng 6/2014, các nhà đầu tư chiến lược đã mua đủ 31% vốn điều lệ. Tuy nhiên, bất ngờ, đến tháng 12/2014 bằng văn bản số 15169/BGTVT-QLDN của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý thực hiện thoái toàn bộ 35% vốn điều lệ nhà nước tại CIENCO1. Đây chính là quyết định khiến CIENCO1 hoàn toàn rơi vào tay Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc).

90% cổ phần Cienco1 rơi vào tay Út trọc thế nào?

Ngay sau khi được Bộ GTVT “bật đèn xanh” thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CIENCO1, Công ty Yên Khánh – đứng tên doanh nghiệp là bà Vũ Thị Hoan (cháu gái Út “trọc”) lập tức có công văn chào mua công khai 12,6 triệu cổ phần, tương đương 18% VĐL.

Trước đó doanh nghiệp này đã “gom” được 17,58% cổ phần CIENCO1. Đến lúc này, Công ty Yên Khánh trở thành cổ đông lớn nhất của CIENCO1 với tỷ lệ sở hữu 35,58% cổ phần.

Báo cáo quản trị thể hiện, tới cuối tháng 6/2015, cùng với Yên Khánh, Công ty TNHH Thiết bị Xây dựng Hồng Hà (gọi tắt là công ty Hồng Hà) cũng nắm 17% cổ phần CIENCO1. Theo điều tra của VietnamFinance, công ty Hồng Hà là một trong những “sân sau” của ông Cấn Hồng Lai (thời điểm đó ông Lai làm Tổng giám đốc, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT CIENCO1).

Như vậy, cùng với lượng cổ phiếu mua gom trước đó, hai nhà đầu tư này chiếm tới quá bán vốn điều lệ của CIENCO1 (55,2%).

Ngày 10/10/2015, ông Cấn Hồng Lai giữ chức Chủ tịch HĐQT 1

Ngày 10/10/2015, ông Cấn Hồng Lai giữ chức Chủ tịch HĐQT 1

Ngoài ra, Công ty CP Hạ tầng Fecon đã gom 6,77% và trở thành cổ đông lớn. Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) - tổ chức thu xếp cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại CIENCO1 - cũng bất ngờ mua vào 5,07% vốn CIENCO1.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư chiến lược Công ty Hassyu ngày 25/8/2015 đã sang tay toàn bộ 11% cổ phần cho ông Uông Huy Đông. Chưa đầy một tháng sau, ngày 15/9/2015, cổ đông cá nhân này lại bán gần hết cho Công ty TNHH Thiết bị Xây dựng Hồng Hà, giúp doanh nghiệp này nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,6% (điều này cho thấy vai trò của ông Cấn Hồng Lai là không hề nhỏ tại CPH CIENCO1).

Ngày 9/12/2015, Yên Khánh bán 4,9 triệu cổ phần cho Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An, qua đó giảm tỷ lệ về 28,6%, trong khi Khánh An sở hữu 7%. Giữa tháng 5/2016, Công ty CP Đầu tư Cái Mép mua hết cổ phần của nhóm cổ đông Fecon và nắm 16,81% vốn CIENCO1.

Cuối năm 2016, đầu 2017, cơ cấu các cổ đông lớn của CIENCO1 liên tục có sự biến động mạnh.

Cụ thể, ngày 28/12/2016, cổ đông lớn Hồng Hà bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại CIENCO1 cho nhà đầu tư mới là Công ty CP An Hiền (gọi tắt là An Hiền). Sau giao dịch này, An Hiền trở thành cổ đông lớn của CIENCO1 với gần 24,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngày 12/1/2017, SHS hoàn thành giao dịch bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ tại Cienco 1 với tổng số 8.547.700 cổ phiếu cho Công ty Khánh An (gọi tắt là Khánh An). Có thêm số cổ phiếu này, Khánh An từ nắm giữ 7% lên 19,21% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại CIENCO1.

Đến thời điểm này, Yên Khánh, An Hiền, Khánh An, Cái Mép chính thức là nhóm cổ đông lớn nhất của Cienco 1 với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lần lượt là 28,28%, 24,6%, 19,21% và 16,8%.

Điều đáng nói, cả Yên Khánh, An Hiền, Khánh An và Cái Mép đều đã và đang bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công An xác định: “có mối liên hệ với Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ”

Lật lại những quan hệ sân sau của Út “trọc”

Về Công ty Yên Khánh, đây là công ty do bà Vũ Thị Hoan – cháu gái ông Đinh Ngọc Hệ đứng tên. Công ty này là đối tác của Cienco1 cũng như Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng của Út “trọc” tại nhiều dự án BT, BOT.

Còn Công ty CP An Hiền được thành lập năm 2006, do ông Đoàn Minh Toàn – Tổng Giám đốc – làm đại diện. Ông Toàn (SN 1982), được biết đến là chồng và Vũ Thị Hoa (SN 1984) – chị gái của bà Vũ Thị Hoan.

Nói về Công ty Khánh An, được thành lập tháng 5/2010 với ba cổ đông sáng lập gồm: Lê Thị Hoa (chiếm 15%); Lê Thị Thảo (65%); Đinh Ngọc Hùng (20%).

Trong các cổ đông sáng lập của Công ty Khánh An, cổ đông Đinh Ngọc Hùng từng được biết đến là cổ đông sáng lập của Công ty CP Tập đoàn Đức Bình – doanh nghiệp có liên quan trực tiếp với ông Đinh Ngọc Hệ (hiện tại Đức Bình đang vay CIENCO1 khoảng 100 tỷ đồng như chưa trả).

ba6e84db259bccc5958a

Tháng 8/2017, cả ba cổ đông sáng lập của Công ty Khánh An bất ngờ thoái vốn. Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty, trước đây thuộc về bà Lê Thị Thảo (SN 1984) cũng được chuyển sang cho người mới, là bà Mai Thị Mộng Kiều (SN 1978). 

Nữ doanh nhân sinh năm 1978 này cũng từng là đại diện pháp luật của Công ty An Hiền chi nhánh Vũng Tàu.

Ngoài Cienco1, Công ty Khánh An còn thâu tóm gần 19% vốn điều lệ của Công ty CP cầu 12 – Cienco1. Công ty này trước đây do ông Đinh Văn Thanh làm Chủ tịch HĐQT. Sau khi nhóm công ty của ông Đinh Ngọc Hệ thâu tóm cổ phần chi phối Cienco1, ông Thanh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CIENCO1.

Tuy nhiên, đầu năm 2019, ông Đinh Văn Thanh không còn đảm nhiệm chức vụ này, và cũng không còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP cầu 12 –CIENCO1

Đáng chú ý, Công ty CP cầu 12 – CIENCO1 có hợp đồng liên doanh với Công ty Khánh An để khai thác 15.000m2 đất trong tổng thể lô đất 32.330m2 tại số 175, quốc lộ 62, phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Công ty CP cầu 12 – CIENCO1 đã góp vốn 130 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn 129 tỷ đồng chưa thể thu hồi.

Còn Công ty CP đầu tư Cái Mép trước đây do bà Lê Thị Thảo làm Chủ tịch HĐQT và bà Vũ Thị Hoa làm Tổng giám đốc.

Trong nhiều năm qua, nhóm công ty của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ và CIENCO1 đã lập ra nhiều liên danh để thực hiện các dự án BT, BOT. Đáng nói, các liên danh này dù không đủ năng lực nhưng vẫn được Bộ GTVT ưu ái, chỉ định làm chủ đầu tư.

Mất vốn tại CIENCO1?

Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình IPO CIENCO1 vào tháng 3/2014, thời điểm đó, công ty có 7 công ty con và khoảng 20 công ty liên danh liên kết. CIENCO1 là nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện hàng chục dự án trên khắp địa bàn cả nước.

Tổng tài sản của CIENCO1 đầu năm 2014 là 5.595 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu gần 438 tỷ đồng. Trong khi, nợ phải trả là 4.982 tỷ đồng.

Sau hai lần bán cổ phần năm 2014, CIENCO1 thu về khoảng 407 tỷ đồng (lần 1 là 161 tỷ đồng, lần 2 bán 24,5 triệu CP với giá thấp nhất 10.023 đồng tương đương 256 tỷ đồng). Thấp hơn con số 438 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Đến cuối năm 2017, ông Đinh Ngọc Hệ bị bắt do sai phạm tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thái Sơn và bị xử tù 12 năm vào tháng 7/2018. Còn cháu ông - bà Vũ Thị Hoan cũng bị khởi tố để điều tra các sai phạm tại Công ty Yên Khánh Hải Thành vào tháng 11/2018.

Tuy nhiên, nhóm lợi ích tại CIENCO1 vẫn tiếp tục “làm mưa, làm gió” khi nắm giữ cổ đông lớn, tự ý tổ chức Đại hội đồng cổ đông ngày 13/1/2020 tại Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu không có sự đồng ý của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CIENCO1 đương nhiệm. Tự ý xin thay đổi giấy phép kinh doanh mới nhằm đưa ông Đinh Ngọc Vượng (anh trai Út trọc) lên nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị mới để thao túng CIENCO1. Nếu không kịp thời ngăn chặn, e rằng nguy cơ thất thoát vốn tại CIENCO1 có thể tiếp tục xảy ra.

201908021021CHa3_loba

Cũng tìm hiểu của VietnamFinance, hiện CIENCO 1 đang bị nhóm cổ đông của Út “trọc vay tiền nhiều năm qua chưa trả như: Công ty Thái Sơn đang vay 76 tỷ đồng, An Hiền vay 82 tỷ đồng, Cái Mép vay 52,344 tỷ đồng, Đức Bình vay 100 tỷ đồng...

Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền nợ của nhóm công ty liên quan đến Đinh Ngọc Hệ khoảng trên 500 tỷ đồng, tương ứng với giá trị số cổ phần theo mệnh giá tại CIENCO1 mà các Công ty này sở hữu.

Các khoản vay này đều không trả đã thành nợ xấu gây thiệt hại cho giá trị doanh nghiệp của CIENCO1, ảnh hưởng đến số cổ phần bị kê biên dẫn đến thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này chây ỳ không đối chiếu, xác nhận công nợ và không trả các khoản vay cho CIENCO1.

Theo VietnamFinance

Bạn đang đọc bài viết Hồ sơ cổ phần hoá CIENCO1: Ai tiếp tay cho Út ‘trọc’? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan