Hóa đơn tiền điện và câu hỏi "EVN là ai?"

26/06/2020, 13:12

TCDN - Dòng bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng cao vẫn tiếp tục nối dài khi báo chí phát hiện thêm nhiều trường hợp “sai sót” mới trong những ngày qua.

Những trường hợp đó dù chỉ đếm trên đầu ngón tay và được khẳng định là “sai sót cá nhân” nhưng họ lại mang tính đại diện cho 25 triệu khách hàng của EVN. Vì thế, xử lý rốt ráo, công khai, minh bạch là yêu cầu quan trọng để làm yên lòng người tiêu dùng.

Đến nay, EVN vẫn còn độc quyền về truyền tải và phân phối điện, và đang đại diện Chính phủ cung cấp điện cho toàn bộ người dân.

Một trong các chức năng chủ yếu của EVN trong Nghị định về tập đoàn này là: “Tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục và đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Quy định này có nghĩa, trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng điện của quốc gia được đặt lên vai của 1 doanh nghiệp.

EVN độc quyền về truyền tải và phân phối điện, cung cấp điện cho toàn bộ người dân. Ảnh: Phạm Hải

EVN độc quyền về truyền tải và phân phối điện, cung cấp điện cho toàn bộ người dân. Ảnh: Phạm Hải

Cách đây vài năm, tôi có dịp lên Lai Châu và gặp một kỹ sư đang nối điện vào bản. Hệ thống điện chạy hàng chục km, qua suối, qua đèo để cung cấp cho hơn một chục hộ gia đình vùng cao. Anh kỹ sư nhẩm tính, phải mất hàng ngàn năm may ra tiền điện thu từ đó mới hòa vốn, thậm chí không thể hòa vốn. “Nhưng chúng tôi vẫn phải xây để đảm bảo an sinh xã hội”, anh nói.

Hiện nay, chỉ có khâu phát điện mới mở cửa cho nhiều đầu tư nước ngoài, trong nước. Các doanh nghiệp thuộc EVN chiếm hơn 53% tổng công suất phát điện.

Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê nhận xét, EVN đang giảm việc xây dựng các nguồn điện lớn vì nhiều lý do. Vấn đề là những nguồn điện EVN được xây dựng lại do Chính phủ cho phép - tức là có sự khống chế, trong khi lại quy định, EVN phải đảm bảo vai trò chủ đạo trong đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu của nhân dân. Ông Nê nói: “Giao cho người ta đảm bảo đủ điện nhưng người ta không chủ động được trong việc xây dựng nguồn điện thì khi thiếu điện, ai chịu trách nhiệm? Nói rằng EVN phải chịu trách nhiệm là nghịch lý, không doanh nghiệp nào đảm đương được”.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhận xét, EVN thực hiện quá nhiều mục tiêu: Họ phải cung cấp đủ, ổn định điện cho nền kinh tế; phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, họ phải là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này có nghĩa là khi giá tất cả các mặt hàng tăng, thì giá điện phải giữ ổn định, không được tăng. Ngược lại, khi giá PCI có xu hướng ổn định và ở mức thấp, thì giá điện được phép tăng.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã từng được chọn để thành quả đấm thép của nền kinh tế và đầu tư ngoài ngành là một trong những hệ quả của việc theo đuổi mục tiêu này. Họ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị; tức là cung cấp điện bằng mọi giá đến tất cả mọi vùng miền của đất nước. Tất nhiên, điện còn được sử dụng làm công cụ cho một số mục tiêu khác nữa.

Ông Cung phân tích, là doanh nghiệp lẽ ra họ phải kinh doanh và có lợi nhuận hợp lý. Trong khi đó, dù độc quyền nhưng phạm vi tự chủ, tự quyết định lại rất hạn chế, rất hẹp. Họ không tự quyết được các vấn đề quan trọng của một doanh nghiệp mà phải xin phép nhiều nơi, nhận chỉ đạo của nhiều người. “Chắc chắn không thị trường nào giải quyết cùng một lúc tất cả các mục tiêu nói trên”, ông nói.

Trong một cuộc gặp với các chuyên gia, trong đó nhiều người thuộc tổ tư vấn các đời Thủ tướng, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành phải thốt lên: “Nói thật với các anh, chúng tôi vẫn băn khoăn, EVN là gì?”.

Ông giải thích, nhiều người nói, lẽ ra trời nắng nóng thì điện phải giảm giá nhưng EVN không giảm giá. “Chúng tôi cũng muốn làm như vậy, nhưng là doanh nghiệp nhà nước, chi phí 1 đồng, bán ra 1 đồng đều phải được hạch toán theo khuôn khổ luật pháp chứ không thể vượt qua được. Vì thế, mong muốn chúng tôi hoạt động (linh hoạt) như doanh nghiệp tư nhân thì rất khó”.

Trong khi đó, thị trường phát điện đã mở cửa từ lâu. Gần đây EVN phải tự vay, tự trả mà không còn được hưởng cơ chế Chính phủ bảo lãnh vay vốn như trước đây để xây dựng các nhà máy phát điện. EVN mua 40% sản lượng điện từ các doanh nghiệp bên ngoài, 20% của các tổng công ty hạch toán độc lập. Trong giá thành sản xuất có tới 75% là chi phí sản xuất, trong đó 76% là chi phí mua điện bên ngoài. “Chi phí mua điện bên ngoài lên tới 76% thì vai trò độc quyền ở đâu?”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi không còn được bảo lãnh vay để xây dự án điện, chúng tôi không làm chủ khâu phát điện 100%, vậy mà EVN phải đáp ứng đảm bảo năng lượng cho đất nước. Đây là điều mâu thuẫn lớn”, ông nói.

Ông Cung đáp: “Một khi không trả lời được EVN là ai thì anh gánh hết các gánh nặng, với cả lãnh đạo và cả người dân. Tôi nhìn mô hình tổ chức này thấy vẫn độc quyền. Giờ vẫn chỉ 1 mình anh mua, người khác không mua được thì anh là độc quyền rồi. Quan niệm của dân chúng là thế, làm sao cãi được!?”.

Tuy nhiên, ông Cung nhìn nhận, lẽ ra giá điện phải có lên, có xuống linh hoạt nhưng khi lạm phát, giá các mặt hàng khác lên ào ào thì giá điện không được tăng để điều tiết vĩ mô vì EVN được coi là công cụ để ổn định vĩ mô. Ông nói: “Bảo các anh độc quyền vì hình bóng nó thế, nhưng các anh có được quyết cái gì đâu. Bắt mua như thế, bán như thế thì còn đâu là độc quyền. Quyền lực của độc quyền là không có”. Ông nói lẽ ra, trách nhiệm giữ an toàn năng lượng điện quốc gia phải là Bộ Công Thương, là Chính phủ chứ không phải là doanh nghiệp.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên ủng hộ: “Phần tiêu dùng, sử dụng điện của chúng ta còn rất lãng phí vì giá rẻ. Lẽ ra Bộ Công Thương phải đứng ra tuyên truyền, giải thích về điều này”. Ông cho rằng không thể đặt trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia lên vai 1 doanh nghiệp vì rất rủi ro.

Những đoạn hội thoại như trên chỉ mang tính chất bổ sung thêm vào câu chuyện ngành điện ở Việt Nam với nhiều vướng mắc tồn tại nhiều thập kỷ nay. Nhiều năm trước, người ta đã đề cập đến phát triển thị trường điện cạnh tranh với mong muốn phá tan độc quyền của EVN và như vậy mới giúp đảm bảo an ninh điện lực cho nền kinh tế, cho người dân. Tiếc là đến nay, chưa thấy động thái nào cụ thể hóa chương trình này.

Ông Cung kể, cách đây khoảng 6-7 năm, trong một hội thảo về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, ông có tuyên bố “phải để cho EVN phá sản, thì ngành điện mới phát triển được". Sau đó, không ít đàn anh nói sao cậu cực đoan thế, cậu thử tưởng tượng xem nếu không có EVN thì hậu quả sẽ ra sao? Ông Cung đáp: “Tôi đưa ra kiến nghị đó vì tôi tin vào thị trường cạnh tranh công bằng và đã nghiên cứu khá kỹ kinh nghiệm tự do hoá, xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở châu Âu, nhất là Đức”.

Nhưng rồi ông Cung thay đổi quan điểm. Ông nói: “Nếu quy định hiện nay không bị thay thế bằng quy định khác, thì EVN mới cũng sẽ có một kết cục không khác so với thực trạng hiện nay. Vấn đề nằm ngoài EVN”.

Theo Vietnamnet
Bạn đang đọc bài viết Hóa đơn tiền điện và câu hỏi "EVN là ai?" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

SEVN sa thải người lao động trái luật?
Tịch thu điện thoại cá nhân để lấy thông tin, cho người lao động nghỉ việc không lý do chính đáng, Scheider Electric Việt Nam liệu có coi thường pháp luật Việt Nam?