Học tập mô hình phát triển sản xuất kinh doanh tre luồng Trung Quốc

27/11/2019, 16:21

TCDN - Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Oxfam Việt Nam tổ chức chương trình khảo sát thực tế “Học tập mô hình tổ chức quản lý và cơ chế chính sách phát triển sản xuất kinh doanh tre luồng của Trung Quốc”.

Đoàn làm việc với Trung tâm Quốc tế Mây Tre (ICBR)

Đoàn làm việc với Trung tâm Quốc tế Mây Tre (ICBR)

Hoạt động này năm trong khôn khổ Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV), giai đoạn 2018 - 2022. Dự án được sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai.

Trong chuyến khảo sát, đoàn đã làm việc với Tổ chức Mây Tre Quốc tế (INBAR); Trung tâm Quốc tế Mây Tre (ICBR) và đi thực tế tại một số HTX và thăm vùng tre huyện An Chí, tỉnh Chiết Giang. Qua đó, các doanh nghiệp tham gia có cơ hội học tập kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu và đa dạng hoá sinh kế tại vùng. Cụ thể như: Kỹ thuật chăm sóc thu hoạch tre, Cây tre ở An Chí được chặt ngọn để không bị ngã khi mưa tuyết, ngọn tre được làm chổi để quét tuyết. Thông thường cây tre được khoảng 15-20 đốt thì chặt ngọn. Điều này cũng giúp cho cây tre hút chất dinh dưỡng tốt hơn. Cây tre đạt 5-6 tuổi mới khai thác. Trung bình mỗi hộ quản lý 1ha. Cây tre không phải bón phân. Các phần không sử dụng của cây tre (lá, rễ) có thể được tái sử dụng làm phân hữu cơ, tăng độ màu mỡ cho đất. Riêng trồng măng thì có bón phân hữu cơ, sử dụng đúng các phần của cây tre để làm phân, lấy tre dưỡng tre. Quản lý chất lượng tre từ khi tre mọc măng. Mật độ măng dày quá cũng phải tỉa bớt. Trong thu hoạch, nông dân sử dụng các ống nhựa để có thể đẩy tre dễ dàng từ trên cao xuống điểm tập kết nguyên liệu.

Để đảm bảo chất lượng khai thác, Tre được giao cho từng hộ gia đình quản lý, treo biển tên từng hộ, đánh dấu tuổi tre.

Về áp dụng công nghệ và đào tạo nhân lực, do thiếu hụt nhân công, cần thu hút thêm lao động từ các vùng lân cận, ngành tre An Chí đã triển khai một giải pháp như tăng cường ứng dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất. Địa phương hỗ trợ thiết lập các khu công nghiệp thông minh, thu hút nhân tài. An Chí kết hợp cùng Đại học Thanh Hoa, đại học Chiết Giang để chiêu mộ nhân tài, thiết kế và áp dụng khoa học, máy móc, giảm giá thành lao động, tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh việc đa dạng hoá sinh kế thông qua kết hợp dược liệu dưới gốc tre để tận dụng đất và tăng doanh thu trên mỗi diện tích trồng và phát triển ngành tre sạch đi đôi với du lịch sinh thái, công tác quản lý môi trường được chú trọng. Theo đó, huyện An Chí phát triển khu công nghiệp chuyên biệt dành cho tre với diện tích hơn 7km2, tập trung các đơn vị sản xuất. Trong khu công nghiệp sẽ phân chia làm 5-6 khu vực nhỏ để thuận lợi trong quản lý. Các phế liệu từ tre sẽ là nguyên liệu làm viên nén, sử dụng trong phát điện, cung cấp chất sưởi mùa đông. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải, đặt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cao cho các nhà máy, xí nghiệp trong vùng. An Chí đóng cửa, giảm ngành tre gây ô nhiễm môi trường như vải, giấy.

Tham quan vùng nguyên liệu tại An Chí

Tham quan vùng nguyên liệu tại An Chí

Thông qua các chương trình làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp ngành Tre của Việt Nam đã tiếp thu được một số kinh nghiệm về phát triển sản xuất.

Ngoài đầu tư, hợp tác cùng các trung tâm nghiên cứu Nhà nước để phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp ngành Tre Trung Quốc có sự phân công sản xuất và chuyên môn hoá cao. Mỗi doanh nghiệp tập trung sản xuất 1 loại hàng nhất định, không sản xuất nhiều loại khác nhau. Điều này mang lại năng suất cao, đầu tư máy móc hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm.

Cùng với đó, các công ty có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, ví dụ: các công ty sản xuất ván sàn, thiết bị gia dụng đến mua phôi của 1 công ty sản xuất tấm ép để hoàn thiện sản phẩm.

Doanh nghiệp tre Trung Quốc luôn ưu tiên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong đó tập trung các sản phẩm thay thế gỗ như tấm tre ép, các sản phẩm công nghệ cao từ sợi như vật liệu composite (làm vỏ ô tô hay đường ống dẫn nước.), sản phẩm chăm sóc sức khoẻ (mỹ phẩm, sp kháng khuẩn từ tre..).

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Học tập mô hình phát triển sản xuất kinh doanh tre luồng Trung Quốc tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

VCCI hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Nghêu phát triển thị trường
Trong khuôn khổ các hoạt động của hợp phần xúc tiến thị trường cho các sản phẩm Nghêu, từ ngày 29-31/08/2019 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đối tác tổ chức cho các doanh nghiệp và Hợp tác xã ngành Nghêu tham dự hội chợ “Vietfish 2019”.