[HỎI - ĐÁP] Phần giá vốn vượt quá giá bán này có bị loại khỏi chi phí được trừ?

16/10/2019, 10:03

TCDN - Do nhiều nguyên nhân (sản xuất hàng mẫu, bán thử, ....) mà giá vốn của một số sản phẩm có thể lớn hơn giá bán. Vậy phần giá vốn vượt quá giá bán này có bị loại khỏi chi phí được trừ?

Hỏi: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp ("DN") EPE chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Chúng tôi có các câu hỏi sau rất mong sớm được giải đáp 1- Do nhu cầu sản xuất công nhân công ty chúng tôi phải làm thêm khá nhiều. Chúng tôi cũng đã tuyển nhiều lao động thời vụ nhưng vẫn khó đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi đã đăng ký với Ban Quản lý Khu công nghiệp ("BQL KCN") để làm thêm đến 300h và đã được chấp thuận. Tuy nhiên nếu trong thời gian tới chúng tôi buộc phải làm thêm trên 300h/người/năm do không thể tuyển đủ lao động thời vụ thì chúng tôi phải làm gì (báo cáo BQL KCN, Sở Lao động, ...) để chi phí vượt quá 300h được tính là chi phí được trừ của DN? 2- Việc báo cáo số giờ làm thêm với BQL KCN phải được thực hiện hàng năm hay chỉ 1 lần? Vào đầu năm hay khi có phát sinh giữa năm? 3- Hiện nay theo quy định, DN không cần phải đăng ký định mức và không cần lập định mức để làm căn cứ với Cơ Quan thuế để tính vào chi phí hợp lý của DN. Điều này là đúng hay không đúng? Điều này có nghĩa là chi phí vượt định mức (định mức do DN tự xây dựng theo nhu cầu quản lý) nghiễm nhiên vẫn là chi phí được trừ của DN? 4- Do nhiều nguyên nhân (sản xuất hàng mẫu, bán thử, ....) mà giá vốn của một số sản phẩm có thể lớn hơn giá bán. Vậy phần giá vốn vượt quá giá bán này có bị loại khỏi chi phí được trừ? Rất mong được Bộ Tài Chính/Tổng Cục Thuế giải đáp để chúng tôi tuân thủ theo đúng quy định của Pháp luật Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ngày 18/09/2019.

Đáp:

Ngày 23/9/2019, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc nhận được Phiếu chuyển số 738/PC-TCT đề ngày 20/9/2019 của Tổng cục Thuế v/v chuyển Phiếu hỏi đáp số 180919-15 ngày 19/9/2019 của Độc giả  Nguyễn Thị Như Ngọc gửi qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính để Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc trả lời theo quy định. Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến như sau:

1. Về việc làm thêm giờ

Tại Điều 106 Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 quy định về việc làm thêm giờ như sau:

“Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.

Tại Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định:

“Điều 4. Làm thêm giờ

1. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:

a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;

b) Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:

a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:

- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;

- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

b) Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau:

a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;

b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.

Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC quy định:

“Điều 6.Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1.Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

...

2.Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

...

 2.6.Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

…”.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty nơi Độc giả Nguyễn Thị Như Ngọc đang làm việc là doanh nghiệp EPE chuyên sản xuất linh kiện điện tử, do nguyên nhân khách quan và có lý do chính đáng doanh nghiệp phải làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo mức quy định của Bộ Luật Lao động (doanh nghiệp đã có thông báo với Sở Lao động Thương binh và Xã Hội bằng văn bản khi tổ chức làm thêm giờ) thì khoản tiền làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo quy định doanh nghiệp thực trả cho người lao động nếu có đầy đủ chứng từ theo quy định tại các văn bản về thuế TNDN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

2. Về việc xây dựng định mức

Tại Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2013/TT-BTC ngày 18/6/2013 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“2.3. Chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa phần vượt mức tiêu hao hợp lý.

Doanh nghiệp tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Định mức này được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm và lưu tại doanh nghiệp.

Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành”.

Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC quy định:

“2.Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

...

2.3. Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức”.

Căn cứ vào các quy định trên thì từ kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 trở đi, doanh nghiệp không phải tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh vào đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm. Các khoản chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2014 nêu trên đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Trường hợp doanh nghiệp của Độc giả sử dụng các nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa được Nhà nước quy định định mức thì phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định tại Khoản 2.3, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2014 nêu trên.

3. Về giá vốn hàng bán

Về vấn đề Độc giả hỏi, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến như sau: Đề nghị doanh nghiệp xem xét, tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm về các nguyên nhân giá bán thấp hơn giá vốn. Trường hợp qua thanh tra kiểm tra tại doanh nghiệp, Cơ quan thuế phát hiện giá trị hàng hóa mua vào, bán ra không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường thì doanh nghiệp sẽ bị ấn định thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 và Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết thì các giao dịch trên phải theo giá thị trường. Khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai theo quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính Phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn thực hiện một số Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.  

Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc trả lời

Nguồn: MOF

Bạn đang đọc bài viết [HỎI - ĐÁP] Phần giá vốn vượt quá giá bán này có bị loại khỏi chi phí được trừ? tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan