[HỎI - ĐÁP] Phương pháp hạch toán kế toán ghi nhận chi phí cho thuê phần mềm

23/10/2021, 10:20

TCDN -

Hỏi: Kính gửi Bộ Tài chính, tôi xin hỏi về phương pháp hạch toán kế toán ghi nhận chi phí cho thuê phần mềm. Công ty có nhập khẩu phần mềm trị giá 4 tỷ để cho thuê. Khi ghi nhận chi phí công ty đã hạch toán như tài sản cố định và tính khấu hao trong 3 năm (theo phụ lục I - thông tư 45/2013TT/BTC). Nhưng trên thực tế khi hết hợp đồng thuê 2 năm thì khách hàng không ký tiếp. Vậy chi phí khấu hao 1 năm còn lại có được tính chi phí hợp lệ không nếu công ty chưa ký được hợp đồng thuê? Trong trường hợp năm thứ 3 bị loại trừ chi phí thì nếu năm thứ 4 công ty lại ký được hợp đồng cho thuê thì công ty sẽ không có chi phí tương ứng. Vậy kính mong Bộ tài chính hướng dẫn chi tiết. Xin chân thành cảm ơn.

Đáp:

2.1. Tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), có quy định:

- Khoản 3 Điều 2: “3. Tài sản cố định thuê tài chính: là những TSCĐ mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

Mọi TSCĐ đi thuê nếu không thỏa mãn các quy định nêu trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.”

- Tại khoản 2 Điều 8 quy định cho thuê, cầm cố, thế chấp, nhượng bán, thanh lý TSCĐ:

2. Đối với tài sản cố định đi thuê:

a) TSCĐ thuê hoạt động:

- Doanh nghiệp đi thuê phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng TSCĐ theo các quy định trong hợp đồng thuê. Chi phí thuê TSCĐ được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

- Doanh nghiệp cho thuê, với tư cách là chủ sở hữu, phải theo dõi, quản lý TSCĐ cho thuê.

- Tại khoản 1, khoản 5 và khoản 9 Điều 9 quy định nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định:

+ Khoản 1:“1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:

- TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.

- TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).

- TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

- TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).

- TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

- TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.

+ Khoản 5: “5. Doanh nghiệp cho thuê TSCĐ hoạt động phải trích khấu hao đối với TSCĐ cho thuê.”

+ Và Khoản 9: “9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.”

2. Khoản 1 Điều 38 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định: “Điều 38. Tài khoản 214 - Hao mòn tài sản cố định

1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình tăng, giảm giá trị hao mòn và giá trị hao mòn luỹ kế của các loại TSCĐ và bất động sản đầu tư (BĐSĐT) trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ, BĐSĐT và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ, BĐSĐT.

b) Về nguyên tắc, mọi TSCĐ, BĐSĐT dùng để cho thuê của doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất, kinh doanh (gồm cả tài sản chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý) đều phải trích khấu hao theo quy định hiện hành. Khấu hao TSCĐ dùng trong sản xuất, kinh doanh và khấu hao BĐSĐT hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ; khấu hao TSCĐ chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý hạch toán vào chi phí khác. Các trường hợp đặc biệt không phải trích khấu hao (như TSCĐ dự trữ, TSCĐ dùng chung cho xã hội...), doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án hoặc dùng vào mục đích phúc lợi thì không phải trích khấu hao tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh mà chỉ tính hao mòn TSCĐ và hạch toán giảm nguồn hình thành TSCĐ đó.

...”

Như vậy, trường hợp phần mềm mà doanh nghiệp nhập khẩu để cho thuê đáp ứng được đồng thời các điều kiện ghi nhận TSCĐ vô hình theo quy định tại Đoạn 16 Chuẩn mực kế toán 04 – Tài sản cố định vô hình doanh nghiệp ghi nhận phần mềm này là TSCĐ vô hình và thực hiện trích khấu hao theo quy định. Việc kế toán TSCĐ vô hình và khấu hao TSCĐ thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán.

Căn cứ các quy định nêu trên, thì tất cả tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất, kinh doanh đều phải trích khấu hao (trừ các loại tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC nêu trên). Về việc tính chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Trên cơ sở đó, đề nghị Quý độc giả nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình giải đáp có gì vướng mắc xin phản ánh lại theo số điện thoại và email nêu trên để giải đáp thắc mắc cho được thỏa đáng.

Xin trân trọng cám ơn sự quan tâm của quý độc giả./.

Theo BTC

Bạn đang đọc bài viết [HỎI - ĐÁP] Phương pháp hạch toán kế toán ghi nhận chi phí cho thuê phần mềm tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899