Hơn 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân
TCDN - Tổng cục Thuế cho biết, theo ước tính, với mức giảm trừ gia cảnh mới của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế TNCN.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, cụ thể: mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc được nâng từ mức 3,6 lên 4,4 triệu đồng/tháng. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
“Theo ước tính, với mức giảm trừ mới, sẽ có khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế TNCN ở mức đầu tiên (bậc 1) sẽ không phải nộp thuế TNCN nữa. Với những người có thu nhập cao hơn, phải nộp thuế trong khoảng bậc 2 trở đi thì rõ ràng cũng sẽ rất có lợi khi số thuế TNCN phải nộp cũng sẽ giảm đáng kể do được nâng mức giảm trừ gia cảnh lên”, đại diện Tổng cục Thuế cho hay.
Theo Tổng cục Thuế, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh bắt đầu được thực hiện đã ảnh hưởng ngay đến số thu thuế TNCN, cụ thể số thu từ tiền lương, tiền công tháng 8/2020 chỉ bằng 93,2% cùng kỳ năm 2019 và giảm mạnh so với số thu tháng 7/2020 (giảm 37,2%); số thu từ tiền lương, tiền công tháng 9/2020 bằng 92,74% cùng kỳ năm 2019 và giảm 43,28% so với số thu tháng 7/2020.
Liên quan đến thông tin, thời gian vừa qua một số tờ báo phản ánh, trong khi hầu hết các các nguồn thu khác đều sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng. Tới thời điểm này, người đóng thuế thu nhập cá nhân chưa được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào. Một số chuyên gia cho rằng nên miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để tạo động lực khí thế cho người lao động, cũng như kích thích tiêu dùng.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, tổng số thu từ thuế TNCN lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 90.114,8 tỷ đồng, bằng 70,06% so với dự toán. Nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội của nước ta, tuy nhiên do kiểm soát tốt dịch bệnh nên tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức dương (2,12%), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo số thu thuế TNCN tăng nhẹ 5,02% so với cùng kỳ năm 2019.
Dưới tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng thu thuế TNCN 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm 12,69% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân (nguồn thu chính của thuế TNCN) bị tác động mạnh nhất.
Cụ thể, trong quý I/2020, số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tăng 19,1%; thu từ đầu tư vốn tăng 15,2%; từ hoạt động kinh doanh của hộ cá nhân tăng 6,4%; thu từ chuyển nhượng bất động sản tăng 6,1%,... Tổng cục Thuế cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do những nguồn thu phát sinh từ hoạt động kinh tế năm 2019 tăng khá (17,2% so với cùng kỳ) và được nộp trong quý I/2020.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, từ tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, tháng 4/2020 thực hiện giãn cách toàn xã hội khiến hoạt động kinh doanh giảm sút, nhiều doanh nghiệp cắt giảm tiền lương, tiền công; thêm vào đó, do thực hiện gia hạn thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP dẫn đến số thu thuế TNCN quý II giảm mạnh, chỉ bằng 92,6% so với cùng kỳ, trong đó số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công; số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân và số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản lần lượt chỉ đạt 95,9%; 84,6% và 83,1%.
Từ quý III/2020, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhẹ so với quý II nên thu thuế TNCN cũng tăng nhẹ (1,9% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân tiếp tục giảm, cụ thể số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chỉ đạt 94,7% và số thu thuế TNCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân quý III đạt 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899