Hơn 100 doanh nghiệp tham gia thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh
TCDN - Với sự hỗ trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hơn 100 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực: du lịch, lữ hành, vận tải, hàng không, khách sạn, viễn thông, kinh doanh quốc tế… đã được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển du lịch thông minh, gia tăng kết nối.
Các chuyên gia khẳng định, quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch phải được xem cuộc cách mạng về mặt tư duy, khi các công nghệ số phát triển, ngành du lịch có thể giúp cho khách hàng mở rộng sự trải nghiệm của mình bằng cách thông qua các ứng dụng công nghệ số, cho phép cảm nhận thế giới xung quanh chi tiết hơn.
Thực tế, khi mọi người mong muốn tương tác theo những cách thức mới, đòi hỏi ngành du lịch cũng phải chuyển đổi để có thể tạo ra những cách thức trải nghiệm mới thông qua những cách thức mới tương tác giữa con người với nhau, giữa con người với môi trường, giữa con người với những cảm xúc.
Vì vậy, các công ty du lịch cần thiết kế các sản phẩm dịch vụ du lịch ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn; kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ khách hàng để có được những trải nghiệm tốt nhất trong tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ du lịch từ trực tiếp sang các cách tiếp cận mới thông qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội và phải tiến đến giao dịch số. Cùng với đó là cải cách các sản phẩm, dịch vụ du lịch được thiết kế bao hàm cả sự tích hợp các trải nghiệm trực tiếp với các trải nghiệm số.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, sự chuyển đổi của ngành du lịch để thích ứng đó đòi hỏi một sự thay đổi về nền tảng căn bản cách tổ chức các hoạt động du lịch, cách thiết kế các sản phẩm du lịch, trong đó, mô hình tổ chức hoạt động là hình thái chủ đạo thể hiện sự chuyển đổi này. Điều này cũng đòi hỏi cách tư duy mới (tư duy số) cùng những năng lực mới (năng lực số) để có thể chuyển đổi một cách hiệu quả cách thức tổ chức, vận hành các hoạt động du lịch theo hướng kết hợp người và máy (H2M) để ứng dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số.
“Ngành du lịch phải hình thành một hình thái tổ chức mới phù hợp với kỷ nguyên số, trong đó công nghệ là động lực, hình thành nên môi trường du lịch số làm nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng sức mạnh của ngành du lịch từ dựa vào vốn tài chính (capital) sang dựa vào vốn dữ liệu (data-capital)” - ông Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Không chỉ lướt qua các phong cảnh, cảm nhận trực giác về thế giới xung quanh,khách hàng còn có thể cảm nhận được những âm thanh, khám phá những bí mật nhỏ bé và ẩn giấu trong những phong cảnh đó nhờ những cảm biến nhỏ bé được tích hợp và trở thành công cụ hỗ trợ trải nghiệm trong các cảnh vật suốt hành trình trải nghiệm. Việc đưa các cảm biến trở thành một phần trong việc thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch và kiến tạo nên dữ liệu để “viết nhật ký hành trình” sẽ giúp chúng ta có thể tạo ra và cho phép khách du lịch khám phá được những góc nhìn mới, trải nghiệm mới, cảm xúc mới theo kiểu mẫu mới, phân biệt nhiều biến thể và khám phá những thực tế mới với những hành trình du lịch truyền thống.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ DNNVV nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2026" do VCCI tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo; đồng thời nâng cao vai trò của doanh nghiệp với các định hướng phát triển công nghệ thông tin theo xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của đất nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899