Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu

24/02/2023, 13:25
báo nói -

TCDN - Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, năm 2022 Tổng cục Thuế kết hợp với Công ty Ernst & Young Việt Nam rà soát được 1.015 doanh nghiệp FDI có doanh thu trên 750 triệu Euro, là những đối tượng chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Trụ cột thứ 2 của chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) là "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.

Ông Lưu Đức Huy cho hay, năm 2022 Tổng cục Thuế kết hợp với Công ty Ernst & Young Việt Nam rà soát được 1.015 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu trên 750 triệu Euro (theo báo cáo tài chính năm 2021). Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế địa phương rà soát chế độ đối với các doanh nghiệp đó như thế nào.

doanh-nghiep-FDI

“Hiện tại có 20 cục thuế báo cáo có 400 doanh nghiệp FDI đang hưởng chế độ ưu đãi và chỉ còn 1 năm hưởng ưu đãi giảm thuế”, ông Huy cho biết. Do đó, ông Lưu Đức Huy cho rằng việc nghiên cứu cụ thể tính toán tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp là rất khó do mỗi doanh nghiệp có chế độ ưu đãi, thời gian đầu tư khác nhau cùng với đó thời điểm thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu năm 2024.

Hiện nay đang có hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Cụ thể, trong nhiều năm qua, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore luôn dẫn đầu danh sách các nguồn FDI vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký của ba nước này chiếm tới gần một nửa tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Một số nền kinh tế khu vực châu Á khác như Đài Bắc (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan cũng nằm trong top 10 đối tác có đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Bên cạnh đó hai đối tác đến từ Châu Âu là Hà Lan và quần đảo Virgin thuộc Anh cũng nằm trong top này. Tuy là đối tác xuất nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam nhưng Hoa Kỳ lại chỉ đứng vị trí số 11 trong số các đối tác FDI của Việt Nam.

GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore nhấn mạnh, Quy tắc Trụ cột II về thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào cuối năm 2023 này là một thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Nó không chỉ giúp Việt Nam có tư duy và tầm nhìn mới mà còn có nguồn lực dồi dào và khả năng gắn kết sâu sắc hơn với các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn mới này.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam.

Cũng theo đánh giá của ông Khương, nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam có quy mô rất lớn và được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 15% nên Việt Nam đứng trước khả năng có nguồn lực bổ sung rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm để đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút các nhà đầu tư chiến lược này, Việt Nam cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tăng sự gắn kết và sức cộng hưởng của Việt Nam với các nhà đầu tư trong các thập kỷ tới.

Ông Khương khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhấn mạnh, cần phải có một hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư mới để ngăn chặn việc các lợi ích ưu đãi thuế do Việt Nam cấp bị chuyển sang các nước khác cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh của việc thu hút FDI vào Việt Nam. Cụ thể, với sự ra đời của cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu, nên giới thiệu một chính sách ưu đãi đầu tư mới với các khoản trợ cấp hoặc khấu trừ thuế mang tính chất trợ cấp đủ điều kiện với các khoản trợ cấp thuế được hoàn lại được coi là thu nhập theo các quy tắc của GloBE áp dụng cho việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu.  

"Các sáng kiến cải cách thuế như vậy sẽ giúp Việt Nam duy trì quyền đánh thuế và đồng thời thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ các Công ty đa quốc gia bằng cách giảm chi phí vốn và thúc đẩy các Công ty tham gia vào các lĩnh vực công nghệ cao cần thiết cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, từ đó tích lũy công nghệ, kinh nghiệm và bí quyết tại Việt Nam", Tổng giám đốc PwC nói.

Lương Ngọc Dung
Bạn đang đọc bài viết Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chậm trễ triển khai, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu
Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và không thu được phần thuế bổ sung.
Nhanh chóng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu giúp tăng thu ngân sách
Từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra khung pháp lý, cũng như mức thuế và chính sách ưu đãi để tận dụng được lợi thế từ chính sách này, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ công tác đặc biệt đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu thuế suất tối thiểu toàn cầu
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.