Thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu thuế suất tối thiểu toàn cầu
TCDN - Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.
Sáng 24/2, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, việc luật hóa thuế suất tối thiểu toàn cầu được EU triển khai sớm nhất (từ đầu năm 2022) tuy nhiên Chỉ thị của Liên minh Châu Âu (EU Directive) được thông qua vào 16/12/2022 sau khi bị trì hoãn liên tục bởi sự phản đối của Ba Lan và Hungary do sự khác biệt về quan điểm chính trị. Theo đó, dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2024.
Cũng theo ông Huy, các nước áp dụng quy tắc IIR (Quy tắc thuế suất tối thiểu) từ 2024, có: Các nước EU: Hi Lạp, Đan Mạch, Rumani, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Slovakia, Slovenia, Ireland, Áo, Italia, Séc, Croatia, Bồ Đào Nha, Pháp, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Hungary. Các nước châu Âu không thuộc thành viên EU: Thụy Sỹ, Vương quốc Anh. Các nước Châu Á: Hàn Quốc, Nhật bản, Indonesia, Hongkong, Úc.
Trụ cột 2, gồm 2 quy tắc nội luật kết hợp là Quy tắc thuế suất tối thiểu (Income Inclusion Rule - IIR) 15%; Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule -UTPR) và một quy tắc hiệp định thuế (The Subject to Tax Rule-STTR) 9%.
Các nước áp dụng quy tắc UTPR (Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu) từ năm 2025, có: Các nước EU: Hi Lạp, Đan Mạch, Rumani, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Slovakia, Slovenia, Ireland, Áo, Italia, Séc, Croatia, Bồ Đào Nha, Pháp, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Hungary. Indonesia, Úc.
Thụy Sỹ và Úc sẽ áp dụng quy tắc UTPR từ năm 2024. Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành quy tắc tối thiểu (tháng 12/2022), Luật, Nghị định quy định chi tiết sẽ được ban hành trong năm 2023.
Ngày 3/2/2023, Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố dự thảo Luật áp dung Trụ cột 2, trong đó bao gồm việc áp dụng quy tắc IIR. Các nguyên tắc UTPR và QDMT sẽ được xem xét trong năm 2024. Dự thảo Luật cần được Nghị viện thông qua nhưng dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 1/4/2023 và có hiệu lực từ 1/4/2024.
Đối với Việt Nam, ông Lưu Đức Huy cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Trụ cột 2 của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận về thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Tháng 8 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Tháng 2 năm 2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm. Thành phần của Nhóm gồm lãnh đạo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách Thuế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Ngân sách nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp....), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một số công ty tư vấn thuế (EY, Deloitte) và Công ty Samsung Electronic Việt Nam.
TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tác động của Quy tắc Trụ cột II đã rất cận kề với thời gian áp dụng của các quốc gia khác dự kiến từ năm tài chính 2024. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động, từ đó đưa ra giải pháp thích hợp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899