Hơn 300 thương nhân Trung Quốc được sang Việt Nam mua vải thiều

01/06/2020, 15:16

TCDN - UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang tổ chức thông tin về việc tiêu thụ vải thiều. Theo đó, dự kiến có 3 phương án tiêu thụ vải thiều và Thủ tướng đồng ý cho 309 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.

Cụ thể, ông La Văn Nam, Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn. Trong đó, huyện Lục Ngạn đạt khoảng 85.000 tấn. Vải chín sớm thu hoạch từ ngày 25/5/. Vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7. Đến ngày 29/5/2020, toàn huyện thu hoạch, tiêu thụ được 415 tấn vải chín sớm,với giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Nam, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất với Chính phủ cho khoảng 300 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều bằng visa du lịch. Thủ tướng đồng ý để 309 thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam phục vụ việc mua vải thiều, nhưng phải cách ly theo quy định. Tỉnh Bắc Giang giao Sở Y tế tỉnh này và UBND huyện Lục Ngạn thực hiện việc đón và cách ly thương nhân Trung Quốc.

Bắc Giang dự kiến sẽ cho 309 thương nhân Trung Quốc thu mua vải

Bắc Giang dự kiến sẽ cho 309 thương nhân Trung Quốc thu mua vải

Ngoài ra, huyện này dự kiến có 3 phương án tiêu thụ vải thiều. Cụ thể, phương án 1, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới. Việc tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và chế biến. Giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, chế biến (sấy khô, đóng hộp, ép nước) và trữ lạnh.

Phương án 2, nếu tình hình dịch được kiểm soát nhưng chưa hết, tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; xuất khẩu thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á và chế biến. Dự kiến sản lượng tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 70.000 tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 34.000 tấn và xuất khẩu 36.000 tấn. Các hình thức khác khoảng 15.000 tấn, như sấy khô 5.000 tấn, bảo quản lạnh, ép nước, chế biến 10.000 tấn. 

Phương án 3, nếu tình hình dịch bệnh COIVD-19 được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường, đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ như những năm trước. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ. Cụ thể, vải thiều tươi tiêu thụ khoảng 81.000 tấn (tiêu thụ trong nước khoảng 36.000 tấn và xuất khẩu: 45.000 tấn). Chế biến sấy khô, ép nước, đóng hộp... khoảng 4.000 tấn.

Hiện, các cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Giang đang tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều theo phương án 2.

PV
Bạn đang đọc bài viết Hơn 300 thương nhân Trung Quốc được sang Việt Nam mua vải thiều tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Không thể xuất khẩu vải thiều sang Nhật năm nay
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19.