Hơn 400.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long
TCDN - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong nhiệm kỳ này đã huy động hơn 400.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông và ĐBSCL được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc.
Sáng 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ đã có cuộc tiếp xúc cử tri với công nhân, lao động trên địa bàn Tp.Cần Thơ trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trong buổi làm việc, hơn 200 tri đại diện các doanh nghiệp (DN), công nhân, người lao động ở Cần Thơ đã tham dự, nêu ý kiến, kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ và Thủ tướng.
Những ý kiến của cử tri tập trung vào một số vấn đề, như phát triển DN, tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập đời sống của người lao động; giải pháp phát triển nhà ở và an sinh xã hội, phát triển hạ tầng giao thông...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những tháng đầu năm 2023, nước ta tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân...
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân...
Giải đáp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng cho rằng đây đều là những vấn đề quan trọng, thiết thực với đời sống người dân. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị đúng thẩm quyền và thấu đáo. Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ tổng hợp, trình cơ quan liên quan với những vấn đề vượt và không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở và an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh vừa qua đã làm mạnh tay. Chính phủ cũng vừa có nghị quyết, chỉ thị và ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 và đề nghị các ngành, các địa phương, tổ chức Công đoàn tập trung triển khai.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đặc biệt coi trọng vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong 3 đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện bên cạnh cải cách, hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực. Trong nhiệm kỳ này đã bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông và ĐBSCL được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc.
Về tuyến đường sắt tốc độ cao nối từ Tp.HCM tới Cần Thơ, Thủ tướng thông tin đã xin chủ trương và Bộ Chính trị đã đồng ý. Chính phủ đang triển khai dự án và đàm phán với các đối tác. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là ưu tiên đầu tư dự án này.
Đường sắt tốc độ cao nối Đông Nam Bộ với thủ phủ miền Tây được quy hoạch 10 năm trước, dài 174 km, đi qua Bình Dương, Tp.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (Tp.Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Dự án được nghiên cứu với tổng đầu tư 9 tỷ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh thành mà tuyến đi qua khởi động trở lại dự án.
Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có hai tuyến đường cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai gồm: Tp.HCM - Cà Mau (một số đoạn được khởi công vào tháng 6) và cao tốc trục Đông - Tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.
Trong dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội cũng đã trao 300 phần quà của Tổng liên đoàn Lao động cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Tp.Cần Thơ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899