“Khánh Hoà đấu giá tài sản công với giá khởi điểm 0 đồng là trái luật”

03/07/2020, 20:14

TCDN - Đó là khẳng định của Luật sư Trần Minh Hùng, thuộc Đoàn Luật sư Tp.HCM liên quan đến việc UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đề án cho thuê hàng loạt tài sản công ở Trung tâm Hội nghị và Nhà khách tỉnh bằng hình thức đấu giá với giá khởi điểm là 0 đồng. 

Theo đề án của UBND tỉnh Khánh Hòa, đợt này có tổng cộng 5 kiot thuộc Trung tâm Hội nghị và Nhà khách tỉnh được cho thuê qua hình thức đưa ra đấu giá. Đặc biệt, trong 5 kiot có đến 4 kiot được đưa ra đấu giá cho thuê với giá trị còn lại 0 đồng.

Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, tổng diện tích sàn 4 kiot này là 87m2 với tổng giá trị xây dựng trên 65 triệu đồng. Chỉ riêng kiot số 1, tiếp giáp đường Nguyễn Thi, có diện tích sàn xây dựng là 36m2, nguyên giá trên 121 triệu đồng và được đưa ra đấu giá với giá trị còn lại trên 97 triệu đồng.

Cũng trong đợt này, UBND tỉnh Khánh Hòa còn tổ chức đấu giá cho thuê khu vực nhà hàng, tầng hầm và phòng trưng bày của Trung tâm Hội nghị và Nhà khách tỉnh.

Trong văn bản quyết định đấu giá thuê đất, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Mục đích các kiot này đấu giá cho thuê để kinh doanh, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng, sản phẩm phục vụ khách du lịch, tham quan chợ đêm…”.

Giá khởi điểm 4 Kiot = 0 đồng, Luật sư khẳng định UBND tỉnh Khánh Hoà làm trái quy định pháp luật.

Giá khởi điểm 4 Kiot = 0 đồng, Luật sư khẳng định UBND tỉnh Khánh Hoà làm trái quy định pháp luật.

Cũng theo ông Hoàng, sau khi đấu giá, thời gian thuê các hạng mục trên là 5 năm. Đặc biệt, trong trường hợp UBND có chủ trương quy hoạch đô thị thì người thuê tài sản phải chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn. Nhà nước không phải bồi thường, hỗ trợ chi phí tháo dỡ…

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Gia Đình, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM khẳng định UBND tỉnh Khánh Hoà đang làm sai Luật đấu giá tài sản năm 2016.

“Đề án của UBND tỉnh Khánh Hòa cho thuê tài sản công thông qua hình thức đưa ra đấu giá. Trong đó có trường hợp 4 kiốt được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 0 đồng, việc này là sai với quy định pháp luật”, Luật sư Hùng nói.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, người ký quyết định đấu giá tài sản công với giá khởi điểm 0 đồng.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, người ký quyết định đấu giá tài sản công với giá khởi điểm 0 đồng.

Ngoài ra, Luật sư Hùng phân tích thêm: "Qua đó, đối với 4 kiốt được đưa ra đấu giá nói trên thuộc vào trường hợp tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, giá khởi điểm cho việc đấu giá được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng với quyền sử dụng đất.

Theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 332/2016/TT-BTC quy định về cách xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, theo đó, “Trường hợp diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại thì giá khởi điểm là giá đất cụ thể do cơ quan tài chính xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.”

UBND tỉnh Khánh Hòa phải xác định giá khởi điểm là giá đất cụ thể do cơ quan tài chính xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, việc đưa ra giá khởi điểm là 0 đồng là sai quy định pháp luật. Hơn nữa, mọi thứ đều có khung giá tối thiểu chứ không có hạng mục giá 0 đồng."

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Gia Đình, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Gia Đình, thuộc đoàn Luật sư Tp.HCM

Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 4 và điểm a khoản 2 Điều 8 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định như sau:

Điều 4. Tài sản đấu giá

1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

c) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

h) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

i) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

k) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

l) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

m) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

n) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

o) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Điều 8. Giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá

1. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định tại thời điểm:

a) Trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;

b) Trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Trước khi tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá.

2. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định như sau:

a) Đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó;

b) Đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này thì giá khởi điểm do người có tài sản đấu giá tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản hoặc cá nhân, tổ chức khác xác định.

3. Tài sản đấu giá được giám định theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người tham gia đấu giá và được sự đồng ý của người có tài sản đấu giá. Trình tự, thủ tục giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đó. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu thanh toán chi phí giám định.

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết “Khánh Hoà đấu giá tài sản công với giá khởi điểm 0 đồng là trái luật” tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khánh Hòa có tân Chủ tịch UBND tỉnh
Sau hơn 2 tháng khuyết chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.