Không thể bán vé vì COVID-19, ngành hàng không bán trái phiếu và phi cơ để kiếm tiền
TCDN - Phát hành trái phiếu và máy bay là cách mà nhiều hãng hàng không trên thế giới áp dụng để tạo nguồn thu trong bối cảnh nhiều quốc gia hạn chế hoạt động du lịch
Do giới đầu tư hy vọng quãng thời gian ảm đạm vì đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 sắp kết thúc, cổ phiếu hàng không tăng mạnh.
Hôm 10/11, giá cổ phiếu Singapore Airlines trải qua phiên tăng mạnh nhất trong 21 năm. Tương tự, Cathay Pacific Airways cũng chứng kiến phiên khởi sắc nhất kể từ năm 2008 sau khi Singapore và Hong Kong thông báo thoả thuận thiết lập hành lang du lịch từ ngày 22/11.
Số liệu tích cực về các cuộc thử nghiệm vắc xin COVID-19 thành công của Pfizer và BioNTech đã đẩy Chỉ số Hàng không Thế giới Bloomberg tăng 9,7% hôm 9/11 với với kì vọng làn sóng dịch bệnh sẽ biến mất trong tương lai gần.
Diễn biến tích cực xuất hiện trong bối cảnh phần lớn các hãng hàng không đang sắp cạn tiền. Công suất vận tải hành khách trong tháng 9 của ngành hàng không toàn cầu giảm tới 73% so với năm ngoái. Số chuyến bay quốc tế giảm mạnh, chỉ còn bằng 12% so với năm trước. Con đường thông thường để các hãng kiếm tiền vẫn đang bế tắc.
Sự bế tắc có thể kéo dài đến tận năm sau do trở ngại trong việc sản xuất và phân phối đủ vắc xin nhằm mở lại đường bay quốc tế.
Mặc dù vậy, các hãng hàng không vẫn còn nhiều cách khác để tạo nguồn thu. Nếu không thể bán vé, họ có thể cố bán hàng loạt thứ khác.
Tài sản đầu tiên các công ty cố bán trong khủng hoảng là "giấy". Các hãng hàng không đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 88 tỉ USD trong năm 2020. Trong 4 thập kỉ trước đó, ngành hàng không chỉ phát hành 153 tỉ USD, theo dữ liệu từ Bloomberg. Cộng thêm giá trị của các khoản vay khác, tổng khối nợ của toàn ngành đã tăng tới 124 tỉ USD so với cuối tháng 2.
Mảng cổ phiếu cũng chứng kiến diễn biến tương tự. Hồi tuần trước, Japan Airlines thông báo kế hoạch huy động 1,6 tỷ USD bằng việc phát hành lượng cổ phiếu tương đương khoảng 1/3 số cổ phần đang lưu hành. Hồi tháng 6, Singapore Airlines bán thêm cổ phần và huy động 6,5 tỷ USD. Đây là đợt chào báo thêm cổ phiếu lớn nhất lịch sử ngành hàng không.
Nhờ phát hành cổ phiếu, ngành hàng không toàn cầu đã thu về 27 tỉ USD trong năm nay, bằng với số tiền mà họ huy động 6 năm trước.
Tổng khoản nợ và cổ phần mà các hãng bay bán ra trong năm nay gần bằng 2/3 tổng doanh thu từ hành khách mà Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo toàn ngành sẽ thu về trong cả năm 2020.
Giới doanh nghiệp sở hữu nhiều thiết bị vận tải giá trị cao còn cách khác để thu về tiền mặt. EasyJet đã thu 170 triệu USD trong tháng 11 từ việc bán và cho thuê lại 11 máy bay. Tháng trước, Air Canada thu về 365 triệu USD với biện pháp tương tự. Wizz Air và United Airlines cũng bán và cho thuê lại phi cơ.
Các hãng hàng không đang rất nỗ lực để huy động vốn. So sánh doanh thu của một số hãng hàng không lớn nhất thế giới trong quý gần nhất với dòng tiền từ tài chính và đầu tư, trừ chi phí tài sản cố định, giới quan sát có thể thấy rõ thực trạng.
Trong điều kiện bình thường, dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh sẽ bù đắp dòng tiền ra từ hoạt động tài chính và đầu tư của các hãng hàng không. Thực tế ấy xảy ra với các hãng bay Trung Quốc, đất nước đã khống chế thành công COVID-19. Nhưng tại những nơi khác trên thế giới, làm việc với bảng cân đối kế toán lại giúp hãng hàng không mang về nhiều tiền hơn là bán dịch vụ vận tải.
Dù sự linh hoạt trên có thể là dấu hiệu đầy hi vọng, quí III tồi tệ có thể sẽ mở màn mùa đông khắc nghiệt với ngành hàng không. Khả năng cao là số lượng hãng phá sản hoặc tái cơ cấu sẽ tăng. Thoát khỏi gánh nặng nợ nần do COVID-19 gây ra có thể là mục tiêu mà ngành hàng không cần cả thập kỉ để vươn tới.
Ngoài ra, trong khi nhu cầu mua vé của hành khách đi máy bay có thể đạt tới vô tận, các hãng bay chỉ có lượng tài sản hữu hạn mà họ thể bán và cho thuê lại. Sự bùng nổ của việc phát hành trái phiếu và cổ phiếu trong năm nay cũng có khả năng khiến nhu cầu của nhà đầu tư và chủ nợ giảm mạnh.
Dù giá cổ phiếu lao dốc, nhà đầu tư vẫn thể hiện sự tin tưởng đáng ngạc nhiên đối với ngành hàng không. Giá như hành khách cũng có niềm tin tương tự.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899