Kido lội ngược dòng báo lãi nhờ thoái vốn, nợ thuế tăng vọt hơn 420%
TCDN - Kết thúc 6 tháng năm 2023, doanh thu thuần tại Kido đạt 4.377 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 500 tỷ đồng. Mặt khác, nợ thuế tại Kido lại vọt từ 64 tỷ lên 340 tỷ đồng, tăng 428% so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần giảm mạnh, Kido lãi nhờ thoái vốn
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2023. Theo đó, nhiều hoạt động tại Kido ghi nhận mức tăng trưởng giảm mạnh, thậm chí âm so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất, doanh thu thuần 6 tháng năm 2023 của Kido đạt 4.377 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động này dẫn tới lợi nhuận gộp 6 tháng năm 2023 tại Kido chỉ đạt 691 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.
Chi phí tài chính 6 tháng năm 2023 âm 167 tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ. Phần lãi trong liên doanh, liên kết đạt 16 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ.
Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng năm 2023 tại Kido lại ghi nhận con số nổi bật khi đạt 1.066 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 722 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo BCTC, Kido tăng doanh thu tài chính đột biết nhờ thoái vốn toàn bộ tại 2 công ty liên kết là Cty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) 24% và 49% tại Viber. Sau thoái vốn, Kido thu về 2.221 tỷ đồng. Đây được coi là khoản tài chính thu về khổng lồ giúp Kido bù đắp thua lỗ cho hàng loạt các hoạt động khác.
Chính vì nhờ các hoạt động này mà lợi nhuận sau thuế của Kido trong 6 tháng năm 2023 đã đạt 500 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất kết thúc ngày 30/6/2023, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh tại Kido không mấy khởi sắc. Trong đó đặc biệt là hoạt động đầu tư, âm tới 1.092 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2022 chỉ âm 105 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng âm 119 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ báo lãi 567 tỷ đồng.
Trong khi lưu chuyển tiền thuần 6 tháng đầu năm vào hoạt động kinh doanh của Kido chỉ đạt 370 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ thì doanh nghiệp lại mạnh tay sử dụng tiền thuần vào hoạt động đầu tư lên tới 1.632 tỷ. Trong đó, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và cho vay đạt 1.800 tỷ đồng, tiền đâu tư góp vốn đơn vị khác 101 tỷ đồng, tiền thu hồi tư đầu tu góp vốn vào đơn vị khác thu về 3.491 tỷ đồng, tiền thu lãi từ tiền gửi và cổ tức 45 tỷ đồng.
Về đầu tư tiền thuần từ hoạt động tài chính 6 tháng năm 2023 tại Kido ghi nhận kết quả âm 1.752 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc ngày 30/6/2023, tổng tài sản Kido đạt 12.947 tỷ đồng, giảm 7,5% so với đầu năm 2023. Trong đó, tài sản dài hạn đạt 5.246 tỷ đồng, giảm 25%; tài sản ngắn hạn đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 720 tỷ so với đầu năm.
Nợ thuế vọt lên 340 tỷ đồng, cộng sai tổng giá trị đầu tư vào công ty liên kết
Theo BCTC 6 tháng năm 2023, Kido đang vay 3.167 tỷ đồng, gồm 2.664 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn và 503 tỷ đồng khoản vay dài hạn.
Đối với trái phiếu trong nước, Kido đang phát hành 743 tỷ đồng trái phiếu tại Ngân hàng VIB 525 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Việt Nam 225 tỷ đồng. Trong đó, 496 tỷ đồng là trái phiếu ngắn hạn và 247 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn.
Mặc dù thu về 2.221 tỷ đồng từ việc thoái vốn, hiện tại Kido vẫn đang đầu tư “khủng” vào các công ty liên kết lên tới 3.969 tỷ đồng. Trong đó, Lavenue đạt 50% tỷ lệ sở hữu với vốn đầu tư 1.069 tỷ đồng; LG Vian 40%, vốn đầu tư 583 tỷ đồng; Thọ Phát 25%, vốn đầu tư 100 tỷ đồng và KDF 886 tỷ đồng. Trong đó Thọ Phát và KDF mới được Kido đầu từ trong nửa đầu năm nay.
Đặc biệt, một phần đáng lưu ý về thuyến minh BCTC 6 tháng năm 2023 tại Kido khi người người lập báo cáo cộng sai giá trị đầu tư vào công ty liên kết. Cụ thể, sau khi thoái vốn thì giá thị đầu tư của Kido đối với các công ty liên kết kết thúc 30/6/2023 chỉ đạt 2.737 tỷ đồng. Nhưng người lập báo cáo lại thuyết minh con số này lên tới 3.969 tỷ đồng, đây cũng chính là con số giá trị liên kết trước khi Kido thoái vốn thế hiện.
BCTC 6 tháng năm 2023 tại Kido ghi nhận khoản nợ thuế phải đóng của doanh nghiệp lên tới 340,504 tỷ đồng, tăng 267 tỷ đồng, tương đương tăng 428% so với đầu năm 2022 (64 tỷ đồng). Trong đó, khoản tăng mạnh nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 311 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 24 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân gần 2 tỷ đồng và các loại thuế khác là 2,8 tỷ đồng.
Về kế hoạch 6 tháng cuối năm, Kido sẽ tập trung vào 4 ngành hàng cốt lõi là dầu ăn, gia vị, kem và bánh. Đặc biệt đối với ngành bánh, Kido đã và đang trong quá trình hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt sản phẩm trong mùa thu 2023 – giai đoạn quan trọng của năm đối với các doanh nghiệp ngành bánh.
Trong 4 nhóm hàng chiến lược này, ngành hàng bánh được giới đầu tư quan tâm nhất sau sự kiện Kido mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát và mùa Trung thu 2003 sắp tới. Theo đại diện Kido, với mặt hàng bánh Trung thu, tập đoàn đang trong quá trình hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt sản phẩm trong mùa trung thu 2023. Đồng thời tăng cường tuyển dụng khoảng 600 công nhân làm việc tại nhà máy bánh.
Với thương vụ mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát, Kido dự kiến sẽ hoàn tất mua lại 51% cổ phần vào cuối tháng 7 và tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 70% trong quý 3. Sau khi hoàn tất thâu tóm, ngay trong năm 2023, Kido sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/8, cổ phiếu KDC của Kido đang giao dịch ở mức 63.600đ/cp, đang có dấu hiệu khởi sắc đi lên so với phiên đóng cửa ngày hôm qua (17/8) khi đạt 63.000đ/cp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899