Nguyên nhân lãi quý 3/2022 của Tập đoàn Kido giảm mạnh

26/10/2022, 09:32
báo nói -

TCDN - Kido rót gần 100 tỷ đồng vào liên doanh Dabaco Food từ năm 2017, nhưng đến nay mới chỉ ghi nhận lãi một lần vào năm 2021, còn lại đều ghi lỗ. Các khoản đầu tư vào Lavenue và Vibev luôn được ghi nhận lỗ từ khi đầu tư.

Trong quý 3/2022, Tập đoàn Kido ghi nhận doanh thu đạt gần 3.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng ấn tượng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh (76%) và nằm ở mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Theo lý giải của Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên, lợi nhuận giảm mạnh là do biến động thị trường làm tăng chi phí doanh nghiệp. Lãi sau thuế Kido giảm mạnh chủ yếu do lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm rồi lãi 28 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, Kido đang đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng 5 công ty liên doanh liên kết. Cụ thể là Calofic (sở hữu 24%), Lavenue (50%), LG Vina (40%), Dabaco Food (50%) và Vibev (49%).

Kido rót gần 100 tỷ đồng vào liên doanh Dabaco Food từ năm 2017, nhưng đến nay mới chỉ ghi nhận lãi một lần vào năm 2021, còn lại đều ghi lỗ. Các khoản đầu tư vào Lavenue và Vibev luôn được ghi nhận lỗ từ khi đầu tư.

Công ty Lavenue là chủ đầu tư Dự án Lavenue Crown (8-12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM). Cuối năm 2021, TAND cấp cao tại Tp.HCM ra phán quyết thu hồi khu “đất vàng” có diện tích gần 5.000 m2 ở số 8-12 Lê Duẩn. Mới đây, vào tháng 9/2022, Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM đã tổ chức thi hành án, UBND Tp.HCM đã ủy quyền cho Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM tiếp nhận và quản lý khu đất. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, Tập đoàn Kido không đưa ra bất cứ thông tin nào liên quan về việc này. Kido vẫn ghi nhận giá trị đầu tư còn lại tại Lavenue là gần 1.070 tỷ đồng.

Vào tháng 9/2022, UBND Tp.HCM đã thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn, Q.1. Nhưng trong báo cáo tài chính quý 3/2022, Kido không nhắc gì đến việc này với cổ đông.

Vào tháng 9/2022, UBND Tp.HCM đã thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn, Q.1. Nhưng trong báo cáo tài chính quý 3/2022, Kido không nhắc gì đến việc này với cổ đông.

Tại Vibev, Kido vẫn ghi nhận lỗ đều đặn từ khi đầu tư vào cuối năm 2021. Đây là công ty kinh doanh sản phẩm nước giải khát không gas, do Kido hợp tác với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Vibev đánh giá thị trường này tăng trưởng 10-12% mỗi năm, cao hơn thị trường nước giải khát có gas. Vibev tham vọng chiếm ngôi đầu thị phần sau 5 năm thành lập với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng. Từ cuối năm 2021 đến quý 3/2022, Kido liên tục ghi nhận lỗ từ liên doanh này. Trong ba quý đầu năm 2022, mức lỗ là gần 30 tỷ đồng.

Đến cuối quý 3/2022, Kido đạt doanh thu gần 9.800 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 370 tỷ đồng. Phần lợi ích trong công ty liên doanh liên kết vẫn lãi gần 36 tỷ đồng, chủ yếu nhờ Calofic (Dầu ăn Cái Lân) – con gà đẻ trứng vàng cho Kido nhiều năm qua.

Năm 2022, Kido đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo doanh thu và lãi sau thuế của Kido năm 2022 lần lượt ở mức hơn 13.500 tỷ đồng và hơn 600 tỷ đồng.

 

Nguyễn Dương
Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân lãi quý 3/2022 của Tập đoàn Kido giảm mạnh tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán trong quá trình chuyển đổi số
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong quá trình chuyển đổi số thì cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần xem xét điều khoản nào thực hiện chính sách trong giao dịch đặc thù như đối với giao dịch mua bán thông qua quá trình chuyển đổi số.
VCCI góp ý về bảo vệ người tiêu dùng
VCCI vừa có văn bản đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo.