VCCI góp ý về bảo vệ người tiêu dùng
TCDN - VCCI vừa có văn bản đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo.
Theo đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý đối với dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (bản thẩm định tại Bộ Tư pháp, sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản đóng góp một số ý kiến ban đầu.
VCCI cho rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng (NTD) và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với NTD.
Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của NTD mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Vì vậy, việc Dự thảo Luật quy định “có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng” NTD dễ bị tổn thương chỉ trong việc “thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin” có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo lỗ hổng trong áp dụng quy định này.
Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống.
Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa các khoản trong điều này theo hướng bỏ các từ “bảo đảm thực hiện” bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương (đã được quy định tại các Luật chuyên ngành nói trên), tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới áp dụng pháp luật không chính xác.
Về quyền của người tiêu dùng và Trách nhiệm khi đưa tin sai sự thật
Quyền của người tiêu dùng sẽ tương ứng với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Theo VCCI, dự thảo còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi.
Cụ thể, Khoản 6 Điều 14 Dự thảo quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, khoản 4 Điều 14 Dự thảo quy định nội dung gần tương tự cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…”. Vậy không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự?
Để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định vào Điều 55 Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dùng thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.
Nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 15 Dự thảo): thực tế cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899