Tập đoàn Kido mua lại bánh bao Thọ Phát

20/04/2023, 15:28
báo nói -

TCDN - Sau khi giải thể công ty đồ uống liên doanh với Vinamilk, Tập đoàn Kido mua lại 25% cổ phần của bánh bao Thọ Phát. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng danh mục thực phẩm của Kido trong thời gian tới.

Ngày 19/4, Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC) vừa công bố thỏa thuận mới trong thương vụ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát.  

Theo kế hoạch, Kido sẽ đầu tư, mua 25% cổ phần và giai đoạn hai sau đó sẽ nâng lên từ 51-70%, kết quả đạt được sau thời gian thảo luận dài.  Đại diện Tập đoàn Kido thông tin, việc đầu tư để nắm quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của tập đoàn trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm và trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu tại Việt Nam.

Việc mua lại bánh bao Thọ Phát nằm trong chiến lược mở rộng danh mục thực phẩm của Kido trong thời gian tới.

Việc mua lại bánh bao Thọ Phát nằm trong chiến lược mở rộng danh mục thực phẩm của Kido trong thời gian tới.

Thông qua hoạt động đầu tư và mua bán, sáp nhập này, Kido cho biết đặt mục tiêu doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của mình dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng trong năm 2023. 

Trước đó, cuối năm 2022, Kido giải thể Công ty TNHH liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev do Vinamilk và Kido đồng thành lập. Nguyên nhân giải thể được Kido đưa ra là do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, những biến động khó đoán tại thị trường trong nước, cùng với đó là một số thay đổi trong định hướng phát triển của Tập đoàn. 

Công ty Vibev (Vietnam Beverage) được thành lập ngày 1/3/2021 do Vinamilk và Kido cùng góp vốn. Liên doanh này tập trung sản xuất kinh doanh nước giải khát (trà, trà sữa...), các loại kem và thực phẩm đông lạnh. Vibev có tổng vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng, trong đó Vinamilk góp 51% (204 tỷ đồng) và Kido góp 49% (196 tỷ đồng). 

Dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất của Kido, có thể thấy đến cuối quý 3/2022 giá trị khoản đầu tư của Kido tại Vibev đã bị giảm còn 160 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu vẫn 49%). Đồng nghĩa với việc Vibev đã bị thua lỗ lũy kế gần 73 tỷ đồng sau gần hai năm hoạt động. 

Về tình hình kinh doanh trong năm 2022, Kido ghi nhận 12.520 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế là 510 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng là 351 tỷ đồng, giảm 40,5%. 

Kế hoạch đặt ra của Kido trong năm 2022 là 14.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng. Như vậy, KIDO chỉ mới hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận, 89% chỉ tiêu doanh thu.  

Tính đến 31/12/2022, Tổng nợ vay của Kido là 4.920 tỷ đồng. Phần lớn là các khoản vay tín chấp ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích tài trợ vốn lưu động. Dư nợ trái phiếu là 992 tỷ đồng, trong đó đến hạn phải trả xấp xỉ 248 tỷ đồng.

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Kido mua lại bánh bao Thọ Phát tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nguyên nhân lãi quý 3/2022 của Tập đoàn Kido giảm mạnh
Kido rót gần 100 tỷ đồng vào liên doanh Dabaco Food từ năm 2017, nhưng đến nay mới chỉ ghi nhận lãi một lần vào năm 2021, còn lại đều ghi lỗ. Các khoản đầu tư vào Lavenue và Vibev luôn được ghi nhận lỗ từ khi đầu tư.
Vinamilk: Lợi nhuận giảm do doanh thu vẫn chưa được cải thiện
Sức mua giảm sút khiến doanh thu thuần quý 4/2022 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VMN) chỉ đạt hơn 15.000 tỷ đồng, giảm 4,7%. Nguyên liệu tồn kho vẫn chốt ở giá cao làm lợi nhuận gộp giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.870 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ 2021.
Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT và Vinamilk
Ngày 21/09/2022, Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, kết hợp với Công ty cổ phần Mibrand Việt Nam công bố danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022. Trong đó, Viettel được định giá 8,8 tỷ USD, gấp 3 lần VNPT (2,858 tỷ USD) và Vinamilk (2,814 tỷ USD).