Tập đoàn Kido đứng ngoài, Mondelez Kinh Đô và Bibica tung hoành thị trường bánh kẹo Tết 2023
TCDN - Ngoài sản phẩm bánh trung thu được bán mạnh vào tháng 8 hằng năm, Tập đoàn Kido đành đứng nhìn Mondelez Kinh Đô và Bibica tung hoành trong mùa bánh kẹo Tết.
Kido "đứng ngoài" trong mùa Tết 2023
Đại diện Tập đoàn Kido cho biết, trong mùa Tết năm 2023, Kido không tham gia thị trường bánh kẹo. Với mảng bánh kẹo, Kido hiện chỉ bán bánh tươi ăn hàng ngày và có hạn sử dụng ngắn. Như vậy, ngoài sản phẩm bánh trung thu được bán mạnh vào tháng 8 hằng năm, Kido đành đứng nhìn Mondelez Kinh Đô và Bibica tung hoành.
Trong mùa bánh trung thu năm 2022, Kido tung 300 tấn bánh mang thương hiệu KIDO's Bakery ra thị trường, qua 450.000 điểm bán hàng khô và 150.000 điểm bán hàng lạnh. Giai đoạn này, Kido ghi nhận 200 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Hồi tháng 4/2022, Kido cũng công bố tham vọng trở lại ngành bánh khi đầu tư nhà máy bánh (KIDO’s Bakery) với diện tích gần 13.000m², công suất hơn 19.000 tấn/năm. Cho đến cuối năm 2022, các sản phẩm chính của Kido là dầu ăn, các sản phẩm kem và đồ ăn nhẹ (bánh tươi và snack).
Từ tháng 7/2020, thỏa thuận không kinh doanh bánh kẹo với Mondelez Kinh Đô kết thúc, Kido đã lập tức tung bánh trung thu ngay tháng sau đó. Nhưng trong hơn hai năm qua, Kido vẫn không tham gia thị trường mùa Tết, cho thấy Kido có ý kiêng dè các đối thủ khác. Sau khi Kido bán mảng bánh kẹo cho đối tác Mỹ và được công bố vào giữa năm 2015, Bibica nghiễm nhiên trở thành doanh nghiệp bánh kẹo nội địa đứng đầu thị trường.
Trong quý 3/2022, Kido đạt hơn 3.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 30 tỷ đồng lãi sau thuế. Tuy doanh thu tăng mạnh 26% nhưng lãi sau thuế lại giảm 76% so với cùng kỳ. Được biết năm 2022, Kido đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng.
Mondelez Kinh Đô và Bibica tiếp tục so kè trong mùa Tết 2023
Từ cuối tháng 10/2022, Bibica đã chuẩn bị hơn 2.000 tấn bánh kẹo (tăng gần 50% so với cùng kỳ) để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong mùa Tết 2023. Lượng hàng này sẽ được phân phối qua 120.000 điểm bán lẻ, 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi trên 63 tỉnh thành. Đồng thời, bên cạnh các kênh thương mại điện tử phổ biến, Bibica cũng bán hàng qua app riêng là “Bibica app shop” mới có trong năm nay.
Để cạnh tranh với các sản phẩm ngoại, Bibica đầu tư nhiều vào kiểu dáng và mẫu mã. Chẳng hạn các loại kẹo Tết thì được thiết kế cùng giỏ quà hoặc được thiết kế riêng với hình thỏi vàng và hình Thần Tài. Thương hiệu bánh quy Goody trước nay vẫn được xem là vũ khí chính để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, cũng được chuẩn bị kĩ lưỡng. Bibica cho biết, ngoài ba dòng truyền thống, năm nay sẽ có thêm dòng đặc biệt Goody Gold để làm quà tặng. Nhiều giỏ quả còn được trang trí bằng bộ chữ thư pháp viết tay để tăng phần mới lạ.
Không chịu thua kém, Mondelez Kinh Đô tung 38 bộ sản phẩm đặc biệt Tết của các thương hiệu toàn cầu nổi tiếng cùng các thương hiệu địa phương đã hiện diện lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Mondelez Kinh Đô cho biết, danh mục sản phẩm Tết của đơn vị này năm nay vô cùng đa dạng, là sự kết hợp giữa các loại bánh quy cao cấp, bánh dinh dưỡng, bánh bông lan… Bộ sản phẩm Tết còn có thiết kế và mẫu mã sang trọng, thiết kế bao bì đậm chất Tết Việt. Mondelez Kinh Đô sẽ phân phối hàng Tết qua gần 200.000 điểm bán trên toàn quốc và các kênh thương mại điện tử phổ biến.
Hàng hóa Tết dự kiến tăng 15-30%
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, nổi bật là nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương cho biết, đến tháng 12/2022, các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trên cả nước đang gấp rút chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.
Tại nhiều địa phương, ngành công thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới. Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn thành kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm…
Tại Tp.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đang chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ cho khoảng 12 triệu người và đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết tại Tp.HCM với mức tăng khoảng từ 15-30% so với bình thường.
Để chuẩn bị cho giai đoạn Tết, Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường với sự chuẩn bị khoảng 20.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng cao điểm là 8.000 tỷ đồng để phục vụ cho chương trình bình ổn thị trường với khoảng 34.000 tấn hàng hóa.
Sở Công Thương Tp.HCM ghi nhận hiện giá cả các loại hàng hóa hiện nay, đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm có tăng. Tuy nhiên, mức tăng chỉ khoảng 2-4%, chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn.
Cú “chạm mặt” nảy lửa giữa Bibica và Mondelez Kinh Đô
Vào tháng 9/2020, ông Trương Phú Chiến (Chủ tịch Công ty Bibica) lên tiếng cho rằng Mondelez Kinh Đô đã mượn tay quản lý thị trường vào cao điểm Trung thu để kiềm chế sản phẩm bánh Trung thu Bibica đến với người tiêu dùng. Ông Chiến cho đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, sáng ngày 26/9/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội) bất ngờ vào siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) kiểm tra một vòng các quầy bán bánh trung thu. Sau khi kiểm tra quầy bánh Bibica thì họ thu giữ toàn bộ bánh của quầy Bibica để niêm phong. Lý do họ đưa ra là "Liên quan đến các sản phẩm bánh trung thu có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu "Thu và hình" đang được bảo hộ của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam.
Trưa cùng ngày, Đội QLTT này trả lại toàn bộ bánh cao cấp cho quầy Bibica, các loại bánh khác vẫn bị niêm phong. Đáng nói là sau sự kiện này, BigC thông báo cho toàn bộ các siêu thị của họ thu hồi hết bánh trung thu của Bibica.
Ông Trương Phú Chiến cho rằng, Bibica không hề xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô. Tuy nhiên, phía Mondelez Kinh Đô vẫn im lặng từ đó cho đến nay.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899