Bộ Công Thương: Hàng hoá thiết yếu sẽ tăng giá nhẹ dịp Tết

09/12/2022, 06:48
báo nói -

TCDN - Theo Bộ Công Thương, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Hàng hóa sẵn sàng cho Tết Nguyên Đán 2023

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước – Bộ Công Thương, ước dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Đối với tình hình kiểm soát giá, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính chia sẻ, hiện nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối dồi dào, đảm bảo ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với Bộ Công Thương quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Đồng thời đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là hoạt động quan trọng vì tháng 12 và cuối năm, việc kiểm soát giá cả sẽ tạo dư địa kiểm soát lạm phát năm 2023.

Công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. (Ảnh minh họa)

Công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. (Ảnh minh họa)

Về phía các địa phương, tại một số địa phương như Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng... Sở Công Thương các tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

UBND tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…

Tp.HCM, Hà Nội chi hơn 60.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Riêng công tác chuẩn bị hàng hóa các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết): gạo 290.100 tấn; thịt lợn 57.900 tấn, Thịt gà: 19.200 tấn, thịt bò: 16,050 tấn, trứng gia cầm 387 triệu quả, rau củ 322.500 tấn; thực phẩm chế biến 15.900 tấn; thủy hải sản 15.900 tấn; trái cây 156.000 tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021)”.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%- 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Đối với các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2023, Hà Nội đã triển khai phục vụ tết cho nhân dân trên toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố. Theo đó, đưa vào vận hành thêm 05 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 85 điểm bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố.

Thực hiện các công tác chuẩn bị để tổ chức triển khai các chương trình, sự kiện phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2022: Hội chợ nông sản phục vụ Tết Nguyên đán, Sự kiện tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, 04 hội chợ xuân, 86 điểm chợ Hoa Xuân phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố, Chương trình Happy Tết. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để đảm bảo đưa hàng hóa về Hà Nội, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

“Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp được lưu thông 24/24h để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết” – bà Lan nhấn mạnh.

Theo đại diện Sở Công Thương Tp.HCM, để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

Tp.HCM cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Sở Công Thương đã làm việc, trao đổi với một số đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ lớn, đặc biệt là các đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm về chuẩn bị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại;

Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã tổ chức một số hoạt động bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán như vận động 03 doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng, phân phối thịt heo tham gia tổ chức bán thịt heo bình ổn tại 18 điểm. Đồng thời, tổ chức Hội chợ Xuân 2022 dự kiến từ ngày 11/01/2023 đến ngày 16/01/2023 với quy mô khoảng 250 gian hàng.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm kết hợp phát động Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm đợt 2. UBND các quận các hoạt động bán hàng khuyến mại vào T12 dương lịch (Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022; Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday; Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm)...

Thái Bình
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương: Hàng hoá thiết yếu sẽ tăng giá nhẹ dịp Tết tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan