Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính hơn 67 nghìn tỷ đồng, tăng thu ngân sách gần 7,5 nghìn tỷ

06/01/2022, 11:25

TCDN - Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 15/12/2021 đối với 154 Báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 7.486 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 10.221 tỷ đồng và kiến nghị khác 43.895 tỷ đồng.

Báo cáo tổng kết năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Vũ Văn Họa cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán đến 15/12/2021 đối với 154 Báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 7.486 tỷ đồng, giảm chi NSNN 10.221 tỷ đồng và kiến nghị khác 43.895 tỷ đồng. Ngoài ra, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 130 văn bản pháp luật không còn phù hợp.

KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 265 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Trong năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định. Tổng hợp sơ bộ kết quả đến 15/12/2021, các đơn vị thực hiện 40.166 tỷ đồng đạt 65,2% số kiến nghị. Tỷ lệ thực hiện chưa cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp KTNN không triển khai kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị theo dự kiến.  

Năm 2021, công tác ứng dụng CNTT được KTNN tăng cường, tiếp tục triển khai các nội dung theo Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, nhằm từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để tiến tới ứng dụng CNTT trong thực hiện kiểm toán từ xa áp dụng cho lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp trong thời gian tới.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, KTNN xác định: “Bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022, thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); tích cực đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính;

Nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng” với chủ đề của năm là “Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghịTriển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2022 của KTNN ngày 5/1, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của KTNN.

“Kết quả công tác của KTNN đã góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cung cấp nhiều thông tin giúp Quốc hội thực hiện 3 chức năng: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN quan tâm tới một số nội dung: Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, chiến lược phát triển đến năm 2030 của KTNN để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, nhất là thực hiện kiểm toán từ xa, tiệm cận với thông lệ kiểm toán quốc tế và thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp;

Đẩy mạnh phối hợp công tác với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán. Kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Quốc hội, UBTVQH…; Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng…

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2022, KTNN cần tiếp tục tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Tuấn Kiệt
Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính hơn 67 nghìn tỷ đồng, tăng thu ngân sách gần 7,5 nghìn tỷ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Báo cáo công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước
Theo kế hoạch năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán 190 cuộc (181 cuộc theo kế hoạch kiểm toán đầu năm; 17 cuộc bổ sung; 8 cuộc giảm), dự kiến tổ chức thành 211 đoàn kiểm toán.