Trung Quốc siết chống dịch, trái cây ùn ứ thối rữa ở biên giới Myanmar
TCDN - Hàng nghìn tấn dưa hấu bị ném bỏ ven đường ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Tây Nam Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều người hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phàn nàn rằng các lệnh kiểm soát nghiêm ngặt ngăn Covid-19.
SCMP đưa tin, hàng nghìn tấn dưa hấu bị đổ đống bên đường dọc theo biên giới của Myanmar với tây nam Trung Quốc, trong khi các nhà xuất khẩu địa phương phàn nàn rằng những biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt khiến việc buôn bán bị ách tắc.
Các con đường chính liên kết thành phố Thuỵ Lệ ở tỉnh Vân Nam - cửa ngõ chính của Trung Quốc đến Myanmar - vẫn bị ùn tắc với hàng trăm xe tải đang chờ thông quan.
“Trước đại dịch, chúng tôi từng xuất khẩu hơn 500 xe tải trái cây mỗi ngày sang Trung Quốc, chủ yếu là trái cây nhiệt đới như dưa hấu, dưa lê, xoài... Giờ đây, chưa đến 10 xe tải có thể qua biên giới mỗi ngày” - Lee Htay, chủ một công ty vận tải 65 tuổi, cho biết.
Hoạt động kinh doanh chỉ mới nối lại sau 5 tháng đóng cửa biên giới do đại dịch, với việc Trung Quốc mở lại tuyến đường bộ chính tại thị trấn Uyển Đỉnh ở Thuỵ Lệ vào ngày 26.11. Nhưng quá trình thông quan hàng hoá chậm chạp một cách đáng kinh ngạc của cả hai bên đã khiến các nhà xuất khẩu thất vọng.
Ông Lee nói: “Chúng tôi phải tìm cách xuất khẩu sang các nước khác hoặc bán ở thị trường địa phương, nhưng những việc đó cần có thời gian. Vậy là gần như chúng tôi buộc phải vứt bỏ hết những quả dưa”.
Ngoài dịch Covid-19, diễn biến xung đột phức tạp ở Myanmar cũng tác động tới tình hình làm ăn của người dân. Wanding chỉ cách thị trấn Pang Hseng ở bang Shan, Myanmar 50 mét. Đây là nơi là quân đội Myanmar và lực lượng vũ trang người dân tộc thiểu số Shan đang giao tranh từ tháng 8 năm ngoái. Hoạt động giao thương ở cửa khẩu Wanding đã giảm khoảng 40% so với năm ngoái.
Ngoài hoạt động giao thương ở Thụy Lệ bị đình trệ, thành phố du lịch Cảnh Hồng nổi tiếng ở Vân Nam cũng bị ảnh hưởng sau khi 2 ca Covid-19 không triệu chứng được phát hiện ở đây.
Thành phố đã thực hiện chính sách phong tỏa chặt chẽ và xét nghiệm diện rộng ít nhất 2 lần để quyết ngăn chặn đà lây lan của mầm bệnh. Tuy nhiên, điều này đã gây ảnh hưởng tới ngành du lịch ở Cảnh Hồng, với lượng du khách thưa thớt và các khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa chống dịch trong bối cảnh Tết Âm lịch - thời điểm Cảnh Hồng thu hút đông đảo khách du lịch - đang tới gần.
"Thật khó để chúng tôi có thể vượt qua đại dịch. Quá nhiều điều không chắc chắn ở phía trước và tôi không thể làm gì được", một người quản lý khách sạn tên Ouyang cho biết.
Hiện Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược "Không Covid" với quyết tâm không để mầm bệnh lây lan rộng thông qua việc áp dụng các lệnh phong tỏa cứng rắn, truy vết và xét nghiệm nhanh chóng khi mầm bệnh có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng. Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới vẫn đang theo đường lối chống dịch này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899