Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.000 tỷ đồng
TCDN - Tính đến ngày 30/9/2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng, tăng thu ngân sách nhà nước 6.681 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.459 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.566 tỷ đồng.
Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo Kế hoạch Kiểm toán năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán 190 cuộc, dự kiến tổ chức thành 211 đoàn kiểm toán. Mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, song đến 30/9/2021, toàn ngành đã triển khai 146/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 88 báo cáo kiểm toán (BCKT), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, mặc dù nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô ngân sách lớn, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội chưa triển khai hoặc tạm dừng kiểm toán do ảnh hưởng của dịch Covid -19 song đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/9/2021 đối với 96 BCKT đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước 6.681 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.459 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.566 tỷ đồng); kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc kiểm toán ngân sách bộ, ngành, địa phương về thu ngân sách nhà nước phát hiện ra một loạt vấn đề như công tác quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất: Chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê; cho thuê đất nhưng chưa có hồ sơ liên quan nên cơ quan thuế tạm thu theo giá đất từ nhiều năm trước hoặc theo giá đất hiện hành; chậm tính và thu tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt giá đất...;
Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản: 97 dự án đã được giao đất chậm tiến độ sử dụng nhưng đến thời điểm kiểm toán UBND tỉnh chưa ban hành quyết định xử lý (tỉnh Hưng Yên); tổ chức thực hiện đấu giá đất khi chưa hoàn thành GPMB (UBND thành phố Thanh Hóa); một số trường hợp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa lập thủ tục thuê đất, chưa khai thác theo đơn xin cấp phép; một số doanh nghiệp kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo phương pháp lợi nhuận chưa phù hợp, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (tỉnh Bình Dương); cá biệt, có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế TNDN một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp NSNN;…
Về chi thường xuyên: Chi chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, nguồn kinh phí; quản lý, sử dụng nguồn viện trợ chưa đúng quy định; chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm; không sử dụng hoặc sử dụng tài sản chưa hiệu quả quy định hướng dẫn việc sử dụng đất chưa thống nhất…
Chi đầu tư xây dựng cơ bản: Chưa xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; phân bổ vốn cho một số dự án chưa đảm bảo điều kiện; không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; không đúng nguồn; phân bổ vượt kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn...
Đến 31/12/2020, tại một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn: tỉnh Hà Nam 5.924 tỷ đồng; Ninh Bình 5.371 tỷ đồng; Lào Cai 620 tỷ đồng; Hà Giang 363 tỷ đồng; Hà Tĩnh 335 tỷ đồng; Sơn La 307 tỷ đồng...
Nhiều tỉnh còn để phát sinh mới nợ xây dựng cơ bản trong năm 2020: tỉnh Hưng Yên 353,4 tỷ đồng, Hà Tĩnh 163,5 tỷ đồng, Sơn La 163,4 tỷ đồng, Lào Cai 132,7 tỷ đồng....
email: [email protected], hotline: 086 508 6899