Kiểm toán Nhà nước: Nhiều ngân hàng không hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

25/10/2023, 19:49
báo nói -

TCDN - Kiểm toán Nhà nước cho rằng, năm 2022 nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về chính sách tiền tệ năm 2022 nêu rõ, qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước năm 2023 tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng, một số tổ chức tín dụng (TCTD) thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản.

Đối với các TCTD yếu kém, phương án xử lý TCTD yếu kém (3 Ngân hàng) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.

nga-hang-1

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 Ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 1 Ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB (DongABank).

Tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn. Cụ thể, nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Kiểm toán Nhà nước cho biết tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép, tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, khối NHTMCP năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối TCTD phi ngân hàng tăng từ 37,0% năm 2021 lên 42% năm 2022. Tại thời điểm 31/12/2022, ngoài những NHTM yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn (Ocean bank, GPBank, CBbank, DongABank, SCB), còn có một số NHTM có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với TCTD.

Về lãi suất cho vay (phấn đấu giảm khoảng 0,5% - 1%), báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD, tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Bên cạnh đó, theo Kiểm toán Nhà nước cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều tăng cao, lần lượt lên mức 6,35%/năm và 10,56%/năm vào tháng 12/2022, nhiều TCTD có mức lãi suất cho vay bình quân cao và tăng mạnh vào quý 4: CBbank (9,56% - 11,05%/năm), Oceanbank (9,7% - 11,12%/năm), GPbank (10,99% - 12,89%/năm), Kienlongbank (10,57% - 13,86%/năm), SCB (11,49% - 11,54%/năm), BanVietbank (10,1% - 10,98%/năm), VIBank (9,84% - 12,45%/năm), Saigonbank (9,76% - 11,16%/năm), NamAbank (10,43% - 12,21%/năm), DongAbank (10,43% - 10,95%/năm), Ngân hàng TMCP Bắc Á (9,91% - 11,85%/năm), NCB (11,16% - 12,96%/năm), DongAbank (10,64% - 12,7%/năm),…

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.

Nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với năm 2021.

Tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 của một số TCTD tăng so với năm 2021, cụ thể như: BIDV tăng 0,05%, Agribank tăng 0,07%, VCB tăng 0,02%, ACB tăng 0,53%, Sacombank tăng 0,07%, Eximbank tăng 0,46%, VIB tăng 0,03%, Bắc Á tăng 0,28%, Bản Việt tăng 0,17%...

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán Nhà nước: Nhiều ngân hàng không hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngân hàng Nhà nước: Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm. Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thủ tướng: Tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.