Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 167 tỷ đồng
TCDN - Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 167,1 tỷ đồng gồm thu hồi nộp ngân sách nhà nước 520 triệu đồng; giảm dự toán, thanh toán 4,68 tỷ đồng; chuyển quyết toán năm sau 161,9 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kiểm toán Nhà nước vừa có Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gửi Quốc hội.
Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 167.142.169.724 đồng gồm thu hồi nộp ngân sách nhà nước 520 triệu đồng; giảm dự toán, thanh toán 4,68 tỷ đồng; chuyển quyết toán năm sau 161,9 tỷ đồng; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và thể hiện cụ thể tại từng Báo cáo kiểm toán.
Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả, kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã họi, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý điều chỉnh giảm mức vốn của Chương trình đối với các dự án phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư so với mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (đến thời điểm kiểm toán giảm 47,6 tỷ đồng); cho ý kiến quyết định đối với việc tổng hợp, theo dõi số giải ngân nguồn vốn của Chương trình được giao năm 2022 và số giải ngân nguồn vốn của Chương trình điều chỉnh với nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và các năm tiếp theo.
Bộ Y tế tổ chức rà soát, đánh giá lại chủ trương đầu tư của 08 dự án, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội và trước pháp luật về kết quả rà soát và chỉ thực hiện phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án khi đảm bảo các dự án bám sát chính sách đầu tư phát triển về y tế nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư khoảng 2.838,4 tỷ đồng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nhằm phát huy hiệu quả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định rõ trách nhiệm và báo cáo Chính phủ có hướng giải quyết đối với các trường hợp người lao động đã đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ song chưa được hỗ trợ (các trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa giải quyết, các trường hợp chưa hỗ trợ do các nguyên nhân khách quan...).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.
Đối với các ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro mất an toàn: Trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.
UBND các tỉnh, thành phố (Ninh Bình, Hà Nội) chỉ đạo Cục Thuế địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với công ty có nội dung giảm thuế GTGT phát sinh trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 để xác định, đảm bảo đúng đối tượng hàng hóa/dịch vụ được giảm thuế theo quy định.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899