Kiên Giang xin 20 tỷ triển khai công tác chuẩn bị cho dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá

15/03/2023, 16:32
báo nói -

TCDN - Tỉnh Kiên Giang vừa gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt 20 tỷ từ nguồn ngân sách Trung ương để tỉnh này triển khai thực hiện công tác chuẩn bị cho dự án đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có Tờ trình số 28/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét bố trí kinh phí để chuẩn bị đầu tư Dự án trị giá khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương trong thời gian từ 2023 – 2024.

Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai thực hiện đầu tư Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá trong thời gian 2024 – 2027.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vào cuối tháng 2/2023, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có Tờ trình số 14/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá. 

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 80 tại Km202+700 (nút giao Thuận Yên); điểm cuối tại Km 89+800, kết nối với cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến là khoảng 86,65 km. 

Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe, mặt cắt nền đường rộng 24,75m; dự kiến có 7 nút giao với đường ngang với phương án nút hình kim cương, cầu vượt chính tuyến, Trumpet; hệ thống đường song hành (đường gom) có quy mô đường giao thông nông thôn. 

Địa điểm xây dựng Dự án là Tp. Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất, huyện Châu Thành và Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Diện tích sử dụng đất cho Dự án vào khoảng 634 ha, trong đó: Đất phi nông nghiệp 32 ha; đất nông nghiệp 537 ha; đất công cộng, giao thông, sông kênh không phải bồi thường 66 ha. Số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất khoảng 3.064 hộ. 

Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá là 25.643 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.800 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 17.400 tỷ đồng…

Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2023 đến năm 2027. Tuyến cao tốc này nếu được triển khai sẽ thay thế tuyến Quốc lộ 80 vốn là đường cấp 3 đồng bằng rải nhựa cấp phối chỉ rộng 2 làn xe. Đây là tuyến quốc lộ có lẽ giữ kỷ lục hẹp nhất nước và xuống cấp nhiều năm, ngân sách địa phương chỉ đủ vá tạm bợ khiến đường luôn bị lủng lỗ, ổ voi, ổ gà nhiều chỗ.  

Việc hoàn thành tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá sẽ góp phần hình thành tuyến đường cao tốc trục ngang cùng với đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với hai tuyến cao tốc trục dọc Bắc Nam phía Đông và cao tốc Bắc Nam phía Tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long; góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông cho khu vực Tây Nam bộ. 

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang xin 20 tỷ triển khai công tác chuẩn bị cho dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Kiên Giang đề xuất làm đường cao tốc hơn 25.600 tỷ đồng
Tỉnh Kiên Giang đề xuất xây dựng Dự án đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá chạy qua địa phận tỉnh Kiên Giang có chiều dài khoảng 86 km, quy mô 4 làn xe, vốn hơn 25 nghìn tỷ để thay thế cho tuyến đường quốc lộ 80 đang xuống cấp trầm trọng nhiều nơi.
Kiên Giang thu hồi 11 dự án đầu tư ở Phú Quốc
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh này vừa thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án ở Phú Quốc.
Kiên Giang: Tạm giữ 2 tấn quần áo không có nguồn gốc, xuất xứ
Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Kiên Giang vừa phát hiện và tạm giữ 2 tấn quần, áo các loại của 1 công ty đang kinh doanh quần áo không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Tỉnh Kiên Giang tạm ứng ngân sách trái quy định
KTNN kiến nghị tỉnh Kiên Giang xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, quyết định tạm ứng sai quy định và các khoản nợ tạm ứng kéo dài nhiều năm, đến thời điểm kiểm toán chưa thu hồi hơn 197 tỷ và không có khả năng thu hồi cho ngân sách hơn 11,6 tỷ đồng.