Kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải đóng thuế
TCDN - Cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về quảng cáo, về an ninh mạng, và phải nộp thuế theo quy định pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Theo đó, Nghị định này quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế giống như các nhà kinh doanh trong nước.
Đồng thời, các nhà kinh doanh này phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông trước khi cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam ít nhất 15 ngày; chịu trách nhiệm kiểm tra sản phẩm quảng cáo; không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật.
Nghị định 70 còn bổ sung quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm bên cạnh các chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Quy trình này tương tự như quy trình xử lý, ngăn chặn gỡ bỏ nội dung thông tin vi phạm nói chung đồng thời bổ sung các chế tài xử lý nếu không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ngoài ra, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải thực hiện báo cáo định kỳ hằng năm (vào trước ngày 31-12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và truyền thông.
Nghị định yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) phải có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam khi phát sinh doanh thu tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế theo các quy định của pháp luật về thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho hay, đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, Facebook… cơ quan Thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các Công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các Công ty này tại Việt Nam.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu này khi thanh toán tiền cho tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế TNDN.
Theo số liệu quản lý trên hệ thống thuế tại thời điểm tháng 6/2021 tổng số thuế (từ năm 2018 đến hết năm 2020) các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay là 3.082 tỷ đồng, trong đó (năm 2018 là 770,6 tỷ đồng; năm 2019 là 1.167,9 tỷ đồng; năm 2020 là 1.143,7 tỷ đồng).
Theo đánh giá, việc ban hành và áp dụng các biện pháp mạnh đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là cần thiết bởi quảng cáo xuyên biên giới hiện nay không chỉ chiếm lĩnh phần lớn thị phần của quảng cáo trong nước mà còn để tình trạng nhiều sản phẩm, dịch vụ không phép tràn lan như quảng cáo game lậu, bài bạc, chất kích thích, thực phẩm chức năng sai sự thật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899