Kinh tế tuần hoàn: Tư duy hệ thống mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu

04/12/2021, 08:55

TCDN - Khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Kinh tế tuần hoàn đem đến một góc nhìn với tư duy hệ thống mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm, đạt giá trị cao hơn.

6-1

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Tổng thư ký - Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nhấn mạnh, khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình mà đất nước nông nghiệp chúng ta thời kỳ đó đã áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – cleaner production”, “không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của kinh tế tuần hoàn  – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, có thể coi đó là những khái niệm còn “rời rạc”, “xen kẽ” và thiếu tính hệ thống. Kinh tế tuần hoàn đem đến một góc nhìn với tư duy hệ thống mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với cách thức truyền thống hiện tại.

Theo nghiên cứu năm 2019 của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD), việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tạo ra ít nhất 7.7 nghìn tỷ đô la cơ hội thị trường vào năm 2030 cho doanh nghiệp và hơn 380 triệu cơ hội việc làm mới, đồng thời duy trì đà tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.

Xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được đưa vào bộ luật môi trường năm 2020. Đây là nỗ lực thực hiện xây dựng hành lang pháp lý, khung thể chế để thúc đẩy áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Tổng thư ký VCCI chia sẻ, kinh tế tuần hoàn đã được VBCSD/VCCI đưa vào các chương trình hoạt động từ năm 2016. Từ năm 2017, VBCSD/VCCI đã đưa nội dung này vào chương trình thảo luận tại các diễn đàn, hội nghị về phát triển bền vững do VBCSD/VCCI tổ chức thường niên, qua đó giúp nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, chia sẻ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn. Tháng 1/2018, VBCSD/VCCI đã chính thức triển khai “Sáng kiến Hỗ trợ Doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Đây là nỗ lực nhằm đi tiên phong trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng một nền kinh tế phi phát thải.

Năm 2020, VBCSD/VCCI đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với đó, VBCSD/VCCI cũng đang tích cực phối hợp với các hội viên, các đối tác trong nước, quốc tế thực hiện các dự án, sáng kiến như: Sáng kiến “không xả thải vào thiên nhiên” nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn; sáng kiến “xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp”; triển khai các nghiên cứu về sự sẵn sàng tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy và nhựa; tập huấn cho doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn;...

Vừa qua, tháng 10/2021, VBCSD đã công bố báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống không cồn. Nghiên cứu được thực hiện trên 100 doanh nghiệp vừa và lớn thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nguyên liệu và sản phẩm của 9 nhóm sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn dựa trên phương pháp Circulytics của Ellen MacArthur Foundation. Kết quả nghiên cứu cho thấy 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở các mức độ khác nhau, tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì – ông Vinh cho biết thêm.

Điển hình như Nestlé đã đưa ra cam kết: “Đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng”. Đây là cam kết đi cùng với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải” nhằm hiện thực hóa mục tiêu Xây dựng và định hình một tương lai không rác thải.

Để đảm bảo mục tiêu Bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững, Nestlé Việt Nam và La Vie đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với cộng đồng để bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng nước hiệu quả. Cụ thể, chương trình NESCAFÉ Plan đã góp phần tiết kiệm 40% lượng nước tưới khi áp dụng kỹ thuật canh tác cà phê bền vững tại khu vực Tây Nguyên.

Một mục tiêu quan trọng khác trong lộ trình phát triển bền vững của Nestlé là Quản lý chuỗi cung ứng bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Nestlé đảm bảo 100% nguồn nguyên liệu cà phê xanh được thu mua từ nguồn canh tác có chứng nhận bền vững.

Tại Việt Nam, Nestlé đã thực hiện cam kết đầu tư bền vững với toàn bộ các nhà máy. Tổng vốn đầu tư của công ty đạt trên 730 triệu đô la Mỹ và nằm trong nhóm 30 doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc nhất toàn quốc được Bộ Tài chính trao bằng khen tại "Lễ tôn vinh người nộp thuế tiêu biểu". Các nhà máy của Nestlé luôn là các điển hình về công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tiên phong trong áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Hinh_4A-1620273865316

Đối với Vinamilk, nỗ lực triển khai kinh tế tuần hoàn đã mang đến lợi ích đáng kể về môi trường, tận dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu đáng kể lượng CO2 phát thải ra môi trường.

Diện tích đất trồng trọt hữu cơ và chuyển đổi hữu cơ năm 2020 gấp 15 lần  so với năm 2016. Và nổi bật là 100% nước thải được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn đầu ra nghiêm ngặt. Một phần nước được tái sử dụng để phục vụ các khâu sản xuất và hoạt động của nhà máy.

Đại diện Vinamilk nhận định, quá trình đồng hành và hợp tác với chương trình doanh nghiệp phát triển bền vững đã giúp chúng tôi có cơ hội tiếp cận và cập nhật liên tục các xu hướng và thực hành mới về Phát triển bền vững, qua đó thiết lập chính sách và chương trình hành động tiệm cận với thực hành của các công ty lớn trong ngành cũng như trên thế giới và góp phần thúc đẩy sự liên kết, phối hợp chặt chẽ và đóng góp trong việc giải quyết vấn đề liên quan phát triển bền vững tại Việt Nam, qua đó không ngừng nâng cao niềm tin và giá trị mang lại cho các bên liên quan.

Ông Phạm Hùng Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành, BAT khu vực Đông Á (Head of Operations, BAT East Asia Cluster) cho biết, các nhà máy của BAT tại Việt Nam đã hoàn toàn chuyển qua sử dụng sinh khối trong các lò hơi đốt, góp phần giúp tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của BAT tại Việt Nam đến hết quý 3/2021 là 26%, gấp đôi so với kế hoạch đề ra cho 2021.

Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) được VCCI cùng các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế xây dựng nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp một công cụ quản trị hữu hiệu và là thước đo để đánh giá mức độ phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tham gia vào chương trình giúp BAT trao đổi thông tin, tìm hiểu các mô hình hoạt động và sáng kiến phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và luôn sẵn sàng cho việc hợp tác.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tuần hoàn: Tư duy hệ thống mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Việt Nam cần chuyển sang kinh tế tuần hoàn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn.
VCCI đề xuất ban hành Luật về kinh tế tuần hoàn
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Quốc hội cần ban hành Luật về kinh tế tuần hoàn để khuyến khích, thúc đẩy mô hình này trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp Việt thiếu điều kiện phát triển kinh tế tuần hoàn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, Việt Nam đang đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn từ sản xuất, trong khi đó phần lớn doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu công nghệ tái chế.