"Kinh tế Việt Nam có thể bật mạnh trong năm nay"

14/01/2022, 16:31

TCDN - Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể khởi sắc và bật lên mạnh nhờ vào các yếu tố kiểm soát dịch bệnh và quản lý vĩ mô.

Trong tháng 1 phải ban hành được biện pháp cụ thể

Tại Diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam 2022, ông Hiếu cho hay, có 2 tác động của chính sách tài khóa tiền tệ của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tới doanh nghiệp. Tác động trực tiếp là trực tiếp những doanh nghiệp được chỉ mặt điểm tên như hỗ trợ giảm lãi suất, VAT hay hỗ trợ cho người lao động một số khu kinh tế lớn để thuê nhà, nhưng lớn hơn là tạo ra cơ hội kinh doanh lớn hơn cho toàn bộ doanh nghiệp.

“Tác động mà chúng ta nhìn thấy gián tiếp của gói hỗ trợ phục hồi này là tạo dư địa cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp này chứ không nên chỉ quan tâm mình có được hỗ trợ trực tiếp hay không”, ông Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,.

Cũng theo ông Hiếu, lần đầu tiên Quốc hội họp Bất thường đưa ra Nghị quyết như vậy là Quốc hội rất khẩn trương rồi nhưng tôi mong muốn Chính phủ cũng sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

“Tinh thần khẩn trương quyết liệt này từ nay trở đi là việc bình thường chứ không phải sau dịch lại đủng đỉnh. Câu hỏi bao giờ Chính phủ đưa ra các giải pháp cụ thể thì phải khẩn trương quyết liệt, cá nhân tôi mong muốn trong tháng 1 này phải ban hành được biện pháp cụ thể. Chính phủ cùng các cơ quan quản lý kinh tế bộ ngành cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cuối cùng ông Phan Đức Hiếu đề cập đến vai trò các bên, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong nghị quyết có 10 nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ rất quan trọng từ công khai minh bạch rồi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiểu được chính sách này. Doanh nghiệp dù không được nói trong Nghị quyết của Quốc hội nhưng tất cả hiệu quả chương trình sẽ nâng lên nếu doanh nghiệp hưởng ứng tích cực.

Việt Nam có thể bật mạnh trong năm 2022

Phân tích về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho hay, kể từ tháng 9/2021 đến nay, dịch bệnh đã có xu hướng giảm ở Châu Á và độ phủ vaccine tăng lên. Đồng thời, các hoạt động kinh tế trong khu vực đã được phục hồi. Điều may mắn là chuỗi cung ứng khu vực ít bị đứt gãy đã cho phép các nước Châu Á tận dụng được cơ hội của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, và cũng kiềm chế được sức ép lạm phát gián tiếp gây ra do thiếu nguồn cung vì sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Lạm phát khu vực dự báo khoảng 2,1% năm 2021 và 2,7% năm 2022.

“Nhìn chung, kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vaccine vẫn là các yếu tố quyết định cho phục hồi kinh tế. Với độ phủ vaccine tăng và các gia nhiễm bệnh giảm, các nước Châu Á bắt đầu mở cửa kinh tế và hoạt động kinh tế dần hồi phục lại. Tương tự khu vực, tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam rất nhanh. Tính tới thời điểm hiện tại, độ phủ vaccine đối với người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi đã lên tới con số 100%, nhóm đứng đầu trên thế giới”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Mặc dù sự lây lan của Covid-19 và một đợt giãn cách xã hội kéo dài kể từ tháng 6/2021 đã làm giảm sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp và chỉ số quản lý mua hàng đều bắt đầu hồi phục từ tháng 10/2021 cho thấy sự hồi phục của công nghiệp và đà hồi phục này dự báo sẽ tiếp tục sang đầu năm 2022.

Thêm vào đó, năm 2021, thương mại tại Việt Nam cũng hồi phục nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ hồi phục của thế giới. Thị trường châu Mỹ, châu u và Trung quốc vẫn là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu các hiệp định thương mại thế giới lớn được triển khai, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất.

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, còn hai yếu tố cũng giúp Việt Nam bật mạnh trong năm 2022 đó là: Kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế năm sắp tới. Bên cạnh cơ hội tăng trưởng, vị chuyên gia ADB cũng lưu ý một loạt rủi ro mà Việt Nam cần quan tâm.

Thứ nhất, về dịch bệnh. Mặc dù đã mức bao phủ vaccine nhanh chóng, cách thức đối phó với Covid-19 vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương, thực thi chính sách, tăng cường năng lực y tế, điều trị, bổ sung thuốc hỗ trợ điều trị (sản xuất, nhập khẩu).

Thứ hai, kiểm soát lạm phát, tín dụng. Nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản (đất đai, trái phiếu, thị trường chứng khoán). Những biểu hiện gần đây cho thấy đó mới chính là những rủi ro "đặc trưng Việt Nam" cần lưu ý. Về dài hạn, chuyển quản lý nền kinh tế dựa dựa trên cơ sở sở hữu sang kiểm soát các hành vi lạm dụng sức mạnh vị thế thị trường (market power) trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện các biểu hiện hành vị can thiệp thị trường gần đây.

Thứ ba, thực thi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Nhấn mạnh về gói hỗ trợ, theo ông Cường, một thực tế là các gói giải ngân từ đầu tư công đến các gói hỗ trợ đều hết sức chậm. Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 84% kế hoạch năm 2021, giảm 8,6% so với năm trước. Các gói an sinh xã hội giải ngân chậm và thấp. Giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn do có nhiều hạng mục, nhiều nguồn vốn, nhiều cơ chế điều kiện khác nhau, nhiều chính sách biện pháp khác nhau (tài khóa, tiền tệ kết hợp cho gói trợ cấp lãi suất), và chưa có sự phân biệt rõ giữa đầu tư công trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi kinh tế với đầu tư công trong kế hoạch đã được duyệt. Do vậy, việc thực hiện và giải ngân kịp thời chương trình phục hồi kinh tế là tối quan trọng trong năm 2022 - 2023.

Ông Cường chia sẻ, Việt Nam sẽ đối mặt với một số rủi ro gồm lạm phát; nợ xấu; thị trường lao động khôi phục chậm; môi trường kinh doanh chưa thực sự cải thiện; thị trường tài chính thế giới mất ổn định; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại...

"Nhìn chung, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển, bứt phá nhưng cũng không ít rủi ro cần quan tâm. Trong đó, Covid-19 vẫn tiếp tục là mối đe doạ lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế. Cơ hội tăng trưởng quan trọng nhất là con người/lao động và cần được bảo toàn ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội quan trọng như nhau”, ông Cường khẳng định.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế Việt Nam có thể bật mạnh trong năm nay" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

'Cần đưa ra cam kết hiệu quả đầu ra gói hỗ trợ'
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỷ đồng gói hỗ trợ đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra để đánh giá hiệu quả gói hỗ trợ.