"Cần đưa ra cam kết hiệu quả đầu ra gói hỗ trợ"

07/01/2022, 16:24

TCDN - Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỷ đồng gói hỗ trợ đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra để đánh giá hiệu quả gói hỗ trợ.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), đối chiếu với nội dung của dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nội dung này chưa được cụ thể hóa, mặc dù là Điều 2 của dự thảo Nghị quyết có quy định 3 mục tiêu đó là tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7 %. Thứ hai là phục hồi sản xuất kinh doanh. Thứ ba là bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, đại biểu kiến nghị bổ sung miễn, giảm tiền thuê đất đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ để kích cầu phục hồi một cách tích cực và hiệu quả, vì đây là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn do dịch Covid-19 thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế)

Với những mục tiêu khái quát như vậy, đại biểu cho rằng, nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. "Cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được", đại biểu đề nghị. 

Đối với tiêu chí để đầu tư nguồn lực, đại biểu phân tích, căn cứ vào Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng đó là tất cả những nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Lần này chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những tiêu chí được phân bổ trực tiếp, có những tiêu chí thông qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí tương ứng với từng chính sách. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Liên quan đến danh mục dự án đại biểu cho rằng, không cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chỉ cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và thứ hai là những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Trên cơ sở đó cần rà soát, không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai và kiến nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ hơn mối quan hệ biện chứng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc tạo ra khả năng chống chịu, thích ứng hấp thụ nguồn lực trong hạn định 2 năm, để trên cơ sở đó dự báo những rủi ro nguy cấp của nền kinh tế - xã hội và cần phải vượt qua.

Theo đại biểu, bài toán phân bổ nguồn lực qua giải pháp tài khóa và tiền tệ được Chính phủ giải quyết khá toàn diện để mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, trong 6 nhóm dự án dự kiến đầu tư của chương trình cho thấy, có 49/63 tỉnh, thành có ghi danh cho đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong khi dịch Covid-19 đã và đang diễn ra hầu hết trên cả nước, nhu cầu nâng cấp hạ tầng y tế tuyến xã, huyện ở nhiều tỉnh, thành khác cũng đang rất cấp thiết.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái), cần bổ sung phần đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trong dự thảo Nghị quyết đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, thu hút đầu tư…cũng như tính khả thi của khả năng hấp thụ các nguồn lực trong thời gian 02 năm thực hiện Chương trình, nhất các dự án đầu tư công.

Đối với chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên việc giảm thuế, phí, lệ phí ngay trong năm 2022 dự báo có thể trong ngắn hạn sẽ tạo ra áp lực cân đối ngân sách và nợ công, do vậy đề nghị khi Nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các giải pháp để duy trì, bảo đảm cân đối ngân sách địa phương để cho các địa phương điều hành ngân sách được chủ động, linh hoạt, đảm bảo theo các quy định.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết "Cần đưa ra cam kết hiệu quả đầu ra gói hỗ trợ" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan