Lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải về đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh

03/03/2020, 20:22
báo nói -

TCDN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói về cơ sở và lý do cơ quan này đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thu nhập cá nhân sau khi nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời báo chí chiều tối 3/3.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời báo chí chiều tối 3/3.

"Việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6/2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trước chất vấn của báo giới về việc Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra đề xuất mới về mức chịu thuế thu nhập cá nhân và ngưỡng giảm trừ gia cảnh.

Theo đó, mức chịu thuế mới theo đề xuất của Bộ Tài chính là 11 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng/người. Sau khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến người dân và chuyên gia cho rằng đây là đề xuất lạc hậu, vô cảm với thực tiễn cuộc sống hiện tại của người dân.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/3, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản số 2137 ngày 28/2 gửi xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập cá nhân. Việc điều chỉnh này được căn cứ vào Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.

Theo Thứ trưởng Mai, ở đây tất cả các cơ quan cũng như mọi cá nhân đều phải thực hiện nộp thuế, theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 quy định như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6/2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%. 

"Theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả", Thứ trưởng Mai nói.

Trước đó, bàn về đề xuất của Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh không phải là cơ sở để người nộp thuế, người phụ thuộc trang trải chi phí tiêu dùng cá nhân mà được tính cho mức tối thiểu dựa vào thu nhập bình quân GDP đầu người và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Hiện một số nước trên thế giới không khống chế số lượng người phụ thuộc hoặc số tiền giảm trừ gia cảnh nhưng Việt Nam không khống chế số lượng người giảm trừ gia cảnh.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải về đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chủ tịch VTCA: Không chỉ tiêu dùng trong mức giảm trừ gia cảnh
Mức giảm trừ gia cảnh không phải là cơ sở để người nộp thuế, người phụ thuộc trang trải chi phí tiêu dùng cá nhân mà được tính cho mức tối thiểu dựa vào thu nhập bình quân GDP đầu người và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia - Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA nhận định.