Lập “Phái sinh hội”, Phan Hoàng Nam huy động gần 72 tỷ đồng rồi… “nướng cháy”?

14/02/2020, 09:01

TCDN - Lời hay ý đẹp và mồi nhử lãi suất 4%/tháng đã giúp Phan Hoàng Nam thành lập “Phái sinh hội” huy động gần 72 tỷ đồng, rồi “nướng cháy” phần lớn số vốn vào thị trường forex.

“Phái sinh hội” huy động tiền thế nào?

Theo đơn tố cáo gửi Cơ quan cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM của nhóm 51 nhà đầu tư bị thiệt hại, ông Phan Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nobel Global tổ chức khóa học về chứng khoán với mức học phí 22 triệu đồng/khóa từ tháng 9/2018.

Trong thời gian tổ chức các khóa học, ông Nam liên tục mời gọi nhà đầu tư tham gia hội đầu tư chứng khoán phái sinh, lấy tên gọi là “Phái sinh hội”.

Kết quả giao dịch phái sinh ông Nam gửi cho group đầu tư phái sinh.

Kết quả giao dịch phái sinh ông Nam gửi cho group đầu tư phái sinh.

Thành viên “Phái sinh hội” sẽ ủy thác đầu tư cho ông Nam đầu tư chứng khoán phái sinh.

Theo hợp đồng ủy thác, nhà đầu tư sẽ nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của ông Nam.

Ông Nam quyết định giao dịch đầu tư chứng khoán phái sinh, quản lý danh mục, tìm kiếm lợi nhuận từ vốn góp của nhà đầu tư và hưởng phí môi giới.

Mục tiêu đầu tư đặt ra là lợi nhuận 4%/tháng. Vốn góp tính trên hợp đồng, tương ứng 18 triệu đồng/hợp đồng (vốn góp điều chỉnh theo chỉ số VN30).

Thời gian quy định để góp vốn - rút vốn là 17h thứ Sáu hàng tuần. Kết quả giao dịch được tổng kết vào 17h thứ Sáu hàng tuần.

Mục tiêu lợi nhuận từ 2 đến 5 điểm mỗi ngày (giao dịch từ thứ Hai đến thứ Sáu). Rủi ro khi trường hợp âm 20% thì lệnh sẽ được cắt ngay và xin ý kiến từ Hội đồng thành viên. Lợi nhuận sẽ chia khi lãi 5%/tổng vốn.

Theo thống kê của nhóm nhà đầu tư, từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2019, ông Nam đã huy động được tổng số tiền hơn 71,7 tỷ đồng, thể hiện 3.983 hợp đồng đầu tư chứng khoán phái sinh ký với 51 nhà đầu tư. Ông Nam đã chi trả gần 12 tỷ đồng lợi nhuận góp vốn cho các nhà đầu tư. 

Hồ sơ nhà đầu tư cung cấp cho thấy, sau mỗi lần nộp tiền vào tài khoản mang tên ông Nam tại ngân hàng, nhà đầu tư sẽ nhận được giấy xác nhận nộp tiền với bên thu là Công ty TNHH Nobel Global (có mộc đỏ), Công ty do ông Nam là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Theo đăng ký kinh doanh, Nobel Global thành lập ngày 29/12/2016, trụ sở chính tại 601/50 CMT8, phường 15, quận 10, TP.HCM.

Ngành nghề kinh doanh là hoạt động tư vấn quản lý (chi tiết: hoạt động tư vấn quản lý đầu tư, tư vấn du học (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật) và các ngành nghề theo đăng ký khác là dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tour du lịch…

Vốn điều lệ của công ty này là 2 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Kim Anh góp 1,4 tỷ đồng và ông Phan Hoàng Nam góp 600 triệu đồng.

Ông Nam cũng đặt ra một số quy định cho “Phái sinh hội”, đó là thành viên muốn tham gia phải có các thành viên đã tham gia các khoá học (do Nam tổ chức) trước bảo lãnh, đồng thời phải mở tài khoản do Nam Phan team quản lý.

Trong vòng 1 - 1,5 năm, thành viên mới phải tham gia khóa học đầu tư; tham gia khóa học chuyên sâu; phải tương tác thường xuyên…; phải vẽ đồ thị (chart) và đóng góp cơ hội đầu tư định kỳ tối thiểu 1 tháng/lần. Thành viên muốn tăng vốn góp vào “Phái sinh hội”, tăng lượng hợp đồng ủy thác phái sinh cũng phải tuân theo quy định, chứ không phải cứ muốn tăng góp vốn tăng là được.

Cụ thể, nếu thành viên tuân thủ tốt các quy định thì sẽ được nâng số lượng hợp đồng phái sinh tham gia vào kỳ đánh giá lại danh mục trong ngày 6 tháng 3, 6, 9, 12 cho đến khi có thông báo mới. Còn vi phạm quy định liên tiếp 3 lần thì hạ 1 bậc số lượng hợp đồng phái sinh được quyền góp vốn.

Nhà đầu tư H cho biết, chị nhận được lời mời từ ông Nam tham gia “Phái sinh hội” với nội dung như trên.

Ông Nam khẳng định, khi muốn rút tiền, chỉ cần báo trước 3 ngày để đóng lệnh giao dịch, nếu nộp thêm tiền vào tài khoản giao dịch và thông báo trước 11h30 ngày thứ Hai thì số vốn đó vẫn được chia lãi ngay trong tuần đó.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một nhà đầu tư trẻ cho biết: Sau một thời gian góp vốn và nhận lãi, đến khi ông Nam bày tỏ mong muốn tăng giá trị tài sản ròng đầu tư của “Phái sinh hội” từ hơn 70 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng thì nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ và yêu cầu minh bạch thông tin giao dịch, cũng như cơ chế kiểm soát tài khoản giao dịch. Lúc này, sự việc bắt đầu… vỡ ra.

Vốn phái sinh được chuyển sang chơi Forex

Khi bắt tay vào kiểm tra giao dịch truy xuất tài khoản của ông Nam, nhóm nhà đầu tư mới phát hiện ra ông Nam đã không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Thực tế truy xuất tài khoản giao dịch thì đang thua lỗ.

Thực tế truy xuất tài khoản giao dịch thì đang thua lỗ.

Cụ thể, ông Nam chỉ dùng khoảng 17,8% tổng số tiền ủy thác, tương ứng 12,29 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán phái sinh theo thỏa thuận.Còn lại 58,92 tỷ đồng ông Nam thực hiện đầu tư trái phép trên sàn Aitrader - Thị trường ngoại hối Forex, để hưởng lợi nhuận từ việc đầu tư này. Phần lợi nhuận này được chuyển thẳng vào tài khoản của Nam và các tài khoản khác của vợ Nam.

Sau nhiều lần làm việc, nhóm nhà đầu tư đã ghi lại bằng chứng ông Nam thừa nhận số tiền còn lại sử dụng để giao dịch forex dẫn đến hậu quả cháy tài khoản.

Các nhà đầu tư cho rằng, ông Nam đã sử dụng thủ đoạn lấy tiền của người sau (những người đầu tư tham gia sau) trả cho người trước để tạo lòng tin và thu hút thêm tiền ủy thác đầu tư vào Phan Nam Group.

Căn cứ cho nhận định này là, trong suốt quá trình đầu tư, ông Nam đã báo cáo kết quả giao dịch sai sự thật cho các nhà đầu tư.

Ông Nam thường xuyên báo lãi nhưng khi truy xuất giao dịch trên tài khoản phái sinh của ông Nam thì nhà đầu tư thấy thua lỗ và số tiền được chuyển vào tài khoản giao dịch phái sinh theo hợp đồng uỷ thác đầu tư chỉ khoảng 12,79 tỷ đồng.

Để nhà đầu tư tin tưởng, Nam vẫn trả lãi cho người ủy thác đầu tư, nhưng mức lãi nhà đầu tư nhận được thực tế thấp hơn 4% vì bị trừ các khoản phí khác.

Theo tính toán của nhà đầu tư, nếu thực hiện theo đúng cam kết, cắt lỗ ở mức 20% thì tính trên tổng theo số vốn uỷ thác là 72 tỷ đồng, mức lỗ tối đa nhà đầu tư phải chịu là 14,4 tỷ đồng (các loại phí khác không đáng kể).

Tuy nhiên, do ông Nam đã không thực hiện đúng thỏa thuận là chỉ đầu tư chứng khoán phái sinh mà tự ý đầu tư Forex, nên ông Nam phải chịu trách nhiệm chi trả cho nhà đầu tư toàn bộ gần 59 tỷ đồng vón góp còn lại.

Như vậy, các thành viên tham gia “Phái sinh hội”, những người đã “thử làm điều chưa từng làm” như lời ông Nam nói, đang nhận lại được nguy cơ mất trắng khoản tiền lớn đã ủy thác đầu tư cho ông Nam. Trong một cuộc trao đổi với nhà đầu tư, ông Nam thừa nhận rằng: “Phải mất 99 năm nữa mới hoàn trả hết nợ (gốc và lãi)”. Đó là lý do các nhà đầu tư gửi đơn tố cáo ông Nam trước pháp luật.

PV sẽ thông tin tiếp về vụ việc khi có diễn biến mới.

Trong chính sách vốn OPM (other people money) của “Phái sinh hội” mà ông Nam đưa ra (theo cách gọi của ông Nam là Quỹ đầu tư cá nhân) có các quy định sau: 

(1) Ưu tiên VỐN NỘI BỘ (là những thành viên tham gia khóa học và trong nhóm Phái sinh hội); 

(2) Lợi nhuận VỐN NGOẠI: 2%/tháng (vốn ngoại là người quen của thành viên trong nhóm nhưng chưa tham gia khóa học nhưng muốn góp vốn); 

(3) Đồng đội được hưởng lãi chênh lệch, sau khi trừ phí quản lý (đồng đội là người mời người mới vào, khi lãi vốn ngoại trên 2% thì đồng đội được hưởng).

Ví dụ cụ thể, với lợi nhuận ròng là 960 nghìn đồng trên 1 hợp đồng phái sinh. Quyền lợi đồng đội hưởng lãi chênh lệch là: LÃI CHÊNH LỆCH = 960 nghìn - 360 nghìn (lãi vốn ngoại) - 171 nghìn (Phí quản lý) =  429 nghìn (4) Vốn OPM: ĐỦ 4.000 hợp đồng. 

Theo Đầu tư chứng khoán
Bạn đang đọc bài viết Lập “Phái sinh hội”, Phan Hoàng Nam huy động gần 72 tỷ đồng rồi… “nướng cháy”? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan