Loạt công ty con Viwaseen có dấu hiệu mất cân đối tài chính, cần kiểm soát chặt
TCDN - "6 công ty con của Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam – CTCP (Viwaseen) có dấu hiệu mất cân đối về tài chính, cần phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh" - Bộ Tài chính khuyến cáo và đề nghị.
Tính đến hết năm 2018, 6 công ty con của Viwaseen có dấu hiệu mất cân đối về tài chính. Theo đó, Công ty Viwaseen 1 âm vốn chủ sở hữu 4.554 triệu đồng, Công ty Viwaseen 6 âm vốn chủ sở hữu 29.009 triệu đồng và Công ty Viwaseen 15 âm vốn chủ sở hữu 7.187 triệu đồng, Công ty Viwaseen 2, Viwaseen 6 và Công ty TSC có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao, lần lượt là 8,28 lần, 7,02 lần và 6,82 lần.
Có 8 công ty không có lãi, không chia cổ tức, trong đó có 3 công ty có lỗ lũy kế là Công ty Viwaseen1, Công ty Viwaseen 7, Công ty Suối Dầu; có 2/20 công ty có lợi nhuận sau thuế cao nhưng không chia cổ tức là: Công ty CP xăng dầu, dầu khí Phú Thọ, lợi nhuận sau thuế đạt 2.171 triệu đồng; Công ty Petrowaco lợi nhuận sau thuế đạt 21.446 triệu đồng.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại Viwaseen có biện pháp giám sát chặt chẽ, đánh giá hiệu quả đầu tư, đồng thời, cần thực hiện lộ trình thoái vốn tại các đơn vị theo Đề án tái cơ cấy giai đoạn 2017 – 2020 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt; xử lý, giải quyết các vướng mắc. khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của Viwaseen tại Công ty Viwaseen 2 và Viwaseen 6. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các trường hợp có lợi nhuận nhưng không chia cổ tức, lợi nhuận để yêu cầu báo cáo giải trình và có giải pháp cụ thể.
Về kết quả sản xuất kinh doanh và khả năng thanh toán nợ cho thấy, tổng doanh thu năm 2018 của Công ty mẹ Viwaseen đạt 1.114.086 triệu đồng, tăng 437.137 triệu đồng, tương ứng với mức tăng 64,57% so với năm 2017.
Lợi nhuận kế toán sau thuế năm 2018 đạt 12.202 triệu đồng, tăng 4.127 triệu đồng, tương đương mức tăng 51,11% so với năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) năm 2018 lần lượt là 1,98% và 0,71%.
Hệ số ROE và ROA của Công ty mẹ ở mức thấp, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Do vậy, Bộ Tài chính khuyến cáo "doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để kiểm soát giá vốn hàng bán và tiết giảm các chi phí quản lý doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh".
Cũng tại thời điểm này 31/12/2018, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tức thời lần lượt là 1,27 lần, 0,67 lần và 0,13 lần. Trong lúc đó, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty là 1.357.447 triệu đồng. Nợ phải thu và hàng tồn kho là 1.199.225 triệu đồng, chiếm 92,3% tài sản ngắn hạn.
Có thể thấy khả năng thanh toán của Tổng công ty phụ thuộc lớn vào công tác thu hồi nợ và công tác bán hàng tồn kho là các bất động sản đầu tư trong các dự án.
"Đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại Viwaseen có giải pháp đẩy mạnh công tác bán hàng, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp"- Văn bản Bộ Tài chính nêu rõ.
Về hiệu quả đầu tư, tại thời điểm ngày 31/12/2018, tổng giá trị đầu tư vốn của Công ty mẹ tại 20 công ty con, công ty liên kết và đầu tư tài chính khác là 274.670 triệu đồng (chiếm 47,3% vốn điều lệ). Cụ thể, đầu tư vào 12 công ty con 164.214 triệu đồng (chiếm 59,79% tổng giá trị đầu tư), đầu tư vào 07 công ty liên kết 110.256 triệu đồng (chiếm 40,1% tổng giá trị đầu tư), đầu tư tài chính tại 01 đơn vị với 200 triệu đồng (chiếm 0,11% tổng giá trị đầu tư).
Về số dư các khoản công nợ phải trả và việc trích lập dự phòng nợ phải thu, qua rà soát Báo cáo tài chính năm 2018, Bộ Tài chính thấy Tổng công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, đặc biệt là các khoản phải thu đối với các đơn vị thành viên (Viwaseen 1, Viwaseen 2, Viwaseen 6, Viwaseen 7) và các Ban quản lý dự án (Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng – CTCP Nước sạch Thái Nguyên, Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn).
Cũng liên quan đến nội dung này, đơn vị kiểm toán tiếp tục có ý kiến: “Tổng công ty chưa đối chiếu và xác nhận đầy đủ số dư khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tại thời điểm 31/12/2018, trong số dư khoản công nợ phải thu của khách hàng nêu trên có nhiều đối tượng phải thu kéo dài từ nhiều năm trước”.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn có ý kiến: “Số dư các khoản công nợ phải trả cho người bán, tạm ứng cho các đội thi công của Tổng công ty tại thời điểm 31/12/2018 chưa được đối chiếu và xác nhận đầy đủ. Đồng thời, trên số dư khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại ngày 31/12/2018, Tổng công ty đang theo dõi chi phí của một số công trình đã hoàn thành và đã ghi nhận doanh thu nhưng chưa kết chuyển vào giá vốn hàng bán”.
Việc ghi nhận đủ doanh thu nhưng chưa kết chuyển giá vốn dẫn đến chi phí doanh nghiệp không phản ánh chính xác chi phí thực tế phát sinh; Do vậy, trường hợp hạch toán theo đúng quy định, lợi nhuận năm 2018 của Viwaseen sẽ thấp hơn số liệu trên báo cáo tài chính.
Lợi nhuận của Công ty Viwaseen năm 2018 chưa tính đến số dư khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và việc Tổng công ty phải trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại Viwaseen rà soát quy chế quản lý công nợ, có ý kiến để Tổng công ty thực hiện hạch toán đầy đủ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và trích dự phòng nợ phải thu khó đòi đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh đúng tình hình tài sản, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn tất công tác quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Viwaseen.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899