Lợi nhuận sau thuế của "top 4" công ty tài chính F88, Home Credit, VietCredit và Fe Credit

31/08/2023, 14:49
báo nói -

TCDN - Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang khó khăn kéo dài từ năm 2022 đến nay, các công ty tài chính như F88, Home Credit, VietCredit, Fe Credit có kết quả kinh doanh trái ngược, có doanh nghiệp lợi nhuận sau thuế tăng vọt, nhưng cũng có doanh nghiệp lại báo lỗ hàng ngàn tỷ.

F88 báo lãi tăng gấp 4 lần, nợ trái phiếu hơn 1.400 tỷ đồng 

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa công bố tình hình kinh doanh năm 2022 với tổng dư nợ trái phiếu tới cuối năm là 1.450,25 tỷ đồng. 

Trong năm 2022, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 ghi nhận lợi nhuận đạt 211,55 tỷ đồng, tăng 314% so với cùng kỳ. Trong đó, hiệu quả sử dụng vốn (ROE) là 31,6%, cao hơn trung bình của ngành ngân hàng là 20,69% (dữ liệu của iBoard của SSI).

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang khó khăn kéo dài từ năm 2022 đến nay, các công ty tài chính như F88, Home Credit, VietCredit, Fe Credit có kết quả kinh doanh trái ngược, có doanh nghiệp lợi nhuận tăng vọt, doanh nghiệp lại báo lỗ kỷ lục.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang khó khăn kéo dài từ năm 2022 đến nay, các công ty tài chính như F88, Home Credit, VietCredit, Fe Credit có kết quả kinh doanh trái ngược, có doanh nghiệp lợi nhuận tăng vọt, doanh nghiệp lại báo lỗ kỷ lục.

Ngoài ra, chỉ sau một năm, vốn chủ sỡ hữu cũng tăng gấp đôi, từ 485 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 3,6 lên 4,2 lần. Ngược lại, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,6 năm trước xuống 1,7 tương ứng mức dư nợ là 1.450 tỷ đồng.  

Nếu nhìn rộng ra, từ năm 2019 đến năm 2022, lợi nhuận của Công ty cổ phần kinh doanh F88 liên tục tăng trưởng. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận tăng 169,7%, lên 44,85 tỷ đồng; năm 2021 tăng 13,9%, lên 51,1 tỷ đồng; và năm 2022, lợi nhuận tăng 314%, lên 211,55 tỷ đồng. 

Điểm đáng lưu ý, dư nợ trái phiếu của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 liên tục tăng. Cụ thể, nếu như năm 2019, dư nợ trái phiếu là 125,8 tỷ đồng, bằng 0,5 lần vốn chủ sở hữu thì tới năm 2022, dư nợ trái phiếu tăng 10,52 lần so với năm 2019, lên 1.450,3 tỷ đồng và bằng 1,7 lần vốn chủ sở hữu. 

Có thể thấy rằng, F88 là doanh nghiệp liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo thống kê trên HNX, từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, công ty này huy động thành công 20 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.360 tỷ đồng. Hiện tại F88 đang có dư nợ 7 lô trái phiếu với tổng mệnh giá là 970,9 tỷ đồng, lãi suất từ 11-12%/năm. 

Trong đó, tháng 4 đáo hạn lô trái phiếu mã F88CH2123010 với mệnh giá 100 tỷ đồng; tháng 5, đáo hạn 400 tỷ đồng trái phiếu, mã F88CH2223006 và mã F88CH2123011; tháng 6, đáo hạn 250 tỷ đồng trái phiếu mã F88CH2123012; tháng 7, đáo hạn mã trái phiếu F88CH2223009 với mệnh giá 100 tỷ đồng; và tháng 9, đáo hạn tổng 120,9 tỷ đồng trái phiếu mã F88CH2223005 và F88CH2223008.  

Ngoài việc huy động vốn từ kênh trái phiếu, doanh nghiệp này còn tích cực gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Mới đây nhất, đầu tháng 2, F88 thông báo huy động thành công khoản đầu tư gần 50 triệu USD (khoảng 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C từ Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV), trong đó VOI góp tới 30 triệu USD. 

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 thuộc sở hữu gần như toàn bộ bởi Đầu tư F88 (F88 Investment) . F88 chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp xe máy, ô tô, đăng ký xe máy, đăng ký xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức... Công ty cũng đã mở rộng danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, liên kết cùng với Mirae Asset Prévoir. 

Tổng nợ phải trả của Home Credit cao gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu 

Home Credit Việt Nam gây chú ý gần đây với thông tin KBank, một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan đang đàm phán mua lại với giá 1 tỷ USD. Nếu giao dịch này thành công, đây có thể là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ VPBank bán 15% vốn cho ngân hàng Nhật Bản với giá trị 1,5 tỷ USD. 

Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam vừa công bố mức lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 hơn 211 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) là 3,22%. Tính đến cuối quý 2/2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit đạt 6.571 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, tổng nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 18.202 tỷ đồng, giảm 29% sau 6 tháng.

Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 1.117 tỷ đồng và chiếm 5% tổng nguồn vốn. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty tín dụng đạt gần 24.773 tỷ. Theo báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2023, Home Credit đang lưu hành 3 lô trái phiếu phát hành năm 2022, kỳ hạn 2 năm và 18 tháng. Tổng trị giá của 3 lô trái phiếu là 1.100 tỷ đồng, công ty phải trả gần 40 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm 2023. 

Home Credit Việt Nam là một trong các công ty tài chính lớn trên thị trường hiện nay. Đây là công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Home Credit có trụ sở tại Hà Lan với tổng tài sản 14,7 tỷ Euro. Hiện tại, Home Credit đang kinh doanh tại 10 quốc gia như Nga, Cộng hòa Séc, Slovakia, Kazakhstan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ…. Home Credit Việt Nam hoạt động từ 2008.

Ngoài cho vay tiền, công ty còn cung cấp dịch vụ cho vay mua xe máy và hàng tiêu dùng lâu bền (điện thoại, máy tính…). Người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc Home Credit là bà Annica Maria Witschard, quốc tịch Thụy Điển. 

VietCredit lỗ ròng gần 30 tỷ đồng trong quý 2/2023, nợ xấu tăng mạnh 56% 

Thu nhập hoạt động giảm mạnh hơn chi phí, cộng thêm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh là nguyên nhân khiến Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, UPCOM: TIN) lỗ ròng gần 30 tỷ đồng trong quý 2/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 11,88% đầu năm lên 20,17%. 

Kết thúc quý 2, thu nhập lãi thuần của TIN giảm 8% so với cùng kỳ, còn hơn 314 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động phi tín dụng như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác đều ghi nhận lợi nhuận giảm. Tổng cộng, TIN có gần 342 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 9% so với cùng kỳ, giảm mạnh hơn chi phí hoạt động (giảm 4%), khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12% xuống còn gần 201 tỷ đồng. 

Kỳ này, Công ty tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 27%) lên gần 238 tỷ đồng nên đành chịu lỗ 37 tỷ đồng trước thuế và gần 30 tỷ đồng sau thuế. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TIN ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 73 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 10% xuống còn 582 tỷ đồng; trong khi chi phí hoạt động đi ngang ở mức gần 275 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 6% lên hơn 397 tỷ đồng. 

Năm 2023, TIN đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 107 tỷ đồng, tăng hơn 31 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022, tương đương tăng 41%. So với kế hoạch, TIN mới thực hiện được 16% mục tiêu lợi nhuận sau nửa chặng đường. 

Tính đến cuối quý 2/2023, tổng tài sản của TIN đạt hơn 6.009 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 8%, còn hơn 4.062 tỷ đồng. Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá lần lượt giảm 29% và 44% so với đầu năm, xuống còn 299 tỷ đồng và 2.052 tỷ đồng. 

Nợ xấu của TIN tăng mạnh 56% so với đầu năm lên hơn 819 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp hơn 2 lần, lên gần 486 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm trong khi nợ xấu tăng cao khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 20,17%. 

FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 

Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố thông tin tài chính định kỳ trên HNX với số lỗ 2.996 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ lãi 144 tỷ đồng. Con số này vượt cả tổng lỗ của công ty trong năm 2022 là 2.376 tỷ đồng. 

Việc thua lỗ kéo vốn chủ sở hữu của FE Credit xuống 10.250 tỷ đồng, từ mức 13.240 tỷ đồng hồi đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 5,43, tương ứng nợ phải trả 55.657 tỷ đồng. 

Theo công bố tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu, trong 6 tháng đầu năm FE Credit đã trả 3.600 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số dư nợ 4.600 tỷ đồng của 15 lô trái phiếu. Tiền lãi phải trả trong 6 tháng là hơn 460 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu giảm cùng với lợi nhuận sau thuế là con số âm đã đưa tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) xuống mức âm 29,23%, so với cùng kỳ 0,9%. Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành giảm từ 16,16% hồi đầu năm xuống 13,89%. 

FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB), đang là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam. Công ty tài chính này từng là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank khi nhiều năm liền đóng góp lợi nhuận lớn cho ngân hàng mẹ. 

Tháng 10/2021, VPBank bán 49% vốn điều lệ của FE CREDIT cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.   

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận sau thuế của "top 4" công ty tài chính F88, Home Credit, VietCredit và Fe Credit tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan